Quận Cái Răng
Quận
Cổng chào quận Cái Răng.jpg
Cổng chào quận Cái Răng
Địa lý
Tọa độ: 9°59′57″B 105°46′56″Đ / 9,99917°B 105,78222°ĐTọa độ: 9°59′57″B 105°46′56″Đ / 9,99917°B 105,78222°Đ
Diện tích 62,53 km²1
Dân số (05/2016)  
 Tổng cộng 127.278 người1
 Mật độ 1.843 người/km²
Dân tộc Kinh, Hoa, Khmer
Hành chính
Quốc gia Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Thành phố Thành phố Cần Thơ
Thành lập 2004
 Chủ tịch UBND Lê Thanh Tâm
 Chủ tịch HĐND Trần Thanh Cần
 Bí thư Quận ủy Huỳnh Quốc Lâm
 Trụ sở UBND Quốc lộ 1 - Quận Cái Răng - Thành phố Cần Thơ
Phân chia hành chính Toàn Quận có 7 Phường.
Mã hành chính 9191
Website Trang chính thức

Cái Răng là một quận nằm ở phía đông nam của thành phố Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.

Quận Cái Răng được thành lập theo nghị định số 05/2004/NĐ-CP ngày 2 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ Việt Nam2 . Là quận nằm ở cửa ngõ phía nam của thành phố, có Quốc lộ 1A đi qua, ngay từ khi mới thành lập, quận Cái Răng đã được xem là trọng điểm phát triển kinh tế của thành phố Cần Thơ.

Từ thời Pháp thuộc cho đến năm 1975, Cái Răng là tên gọi nơi đặt quận lỵ quận Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ và sau đó là tỉnh Phong Dinh thời Việt Nam Cộng hòa. Lúc bấy giờ, Cái Răng về mặt hành chánh vẫn thuộc địa bàn xã Thường Thạnh. Từ năm 1975, thị trấn Cái Răng chính thức được thành lập và trở thành đơn vị hành chánh cấp xã trực thuộc huyện Châu Thành. Trước năm 2004, Cái Răng vốn là thị trấn huyện lỵ của huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ cũ. Từ năm 2004, huyện Châu Thành thuộc về tỉnh Hậu Giang, đồng thời huyện lỵ cũng được dời về thị trấn Ngã Sáu.

Như vậy, Cái Răng chính thức trở thành một quận thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương từ năm 2004. Ngoài ra, thị trấn Cái Răng cũ cũng được chuyển thành phường Lê Bình. Hiện nay, trung tâm hành chính quận Cái Răng được đặt ở phường Lê Bình.

Vị trí địa lý

Chợ nổi Cái Răng

Quận ở phía đông nam của thành phố Cần Thơ:

Hành chính

Quận Cái Răng có 7 phường bao gồm: Ba Láng, Hưng Phú, Hưng Thạnh, Lê Bình, Phú Thứ, Tân Phú, Thường Thạnh.

Chợ Cái Răng (còn gọi là chợ Lê Bình) bên sông Cần Thơ
Ðơn vị hành chính cấp Xã (phường) Phường
Ba Láng
Phường
Hưng Phú
Phường
Hưng Thạnh
Phường
Lê Bình
Phường
Phú Thứ
Phường
Tân Phú
Phường
Thường Thạnh
Diện tích (km²) 5,32 7,67 8,67 2,46 20,63 8,07 10,36
Dân số (2015) (người) 10.078 22.015 18.361 17.088 20.344 9.089 20.253
Mật độ dân số(người/km²) 1.894 2.870 2.096 6.942 986 1.126 1.954

Nguồn gốc tên gọi

Theo truyền thuyết, tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang, có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này. Tuy nhiên, trong cuốn Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển cho biết: Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer "karan" nghĩa là "cà ràng" (ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn) làm rất nhiều karan đi bán khắp nơi. Lâu dần, mọi người phát âm karan thành Cái Răng.

Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi. Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: "Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và "karan" chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm "karan" biến ra "Cái Răng" rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn. (Vương Hồng Sển)

Lịch sử

Thời phong kiến

Vào thời nhà Nguyễn độc lập, vùng đất quận Cái Răng ngày nay bao gồm địa bàn các thôn Tân Thạnh Đông, Thường Thạnh, Trường Thạnh, Đông Phú và một phần thôn Tân An. Trong đó, phần đất thuộc thôn Tân An lúc bấy giờ ngày nay thuộc địa bàn các phường Hưng Phú và Hưng Thạnh. Ngoại trừ thôn Đông Phú thuộc tổng Định An, các thôn còn lại cùng thuộc tổng Định Bảo. Ban đầu, hai tổng Định An và Định Bảo cùng thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), hai tổng này lại chuyển sang thuộc sự quản lý của huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Lúc bấy giờ, ngoài việc gọi theo địa danh hành chính chính thức, thôn Tân An còn được gọi bằng địa danh tên Nôm phổ biến hơn là "Cần Thơ", còn thôn Thường Thạnh được gọi bằng địa danh tên Nôm là "Cái Răng".

Thời Pháp thuộc

Sau khi chiếm hết được các tỉnh Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Ngày 1 tháng 1 năm 1868, Thống đốc Nam Kỳ là Bonard quyết định đặt huyện Phong Phú thuộc hạt Sa Đéc, đồng thời lập Toà Bố tại Sa Đéc. Hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành) đặt lỵ sở tại Sa Đéc gồm có 3 huyện: Vĩnh An, An Xuyên và Phong Phú. Vào thời điểm này ở huyện Phong Phú có 5 chợ chính là: Cần Thơ, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Niềng và Cái Răng.

Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định sáp nhập huyện Phong Phú với vùng Bắc Tràng (thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long trước đây) để lập thành hạt mới lấy tên là hạt Trà Ôn, đặt Toà Bố tại Trà Ôn. Một năm sau, Toà Bố từ Trà Ôn lại dời về Cái Răng. Ngày 5 tháng 1 năm 1876, các thôn đổi thành làng. Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập hạt tham biện Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ.

Chính quyền thực dân Pháp về sau đã đổi tên gọi các đơn vị hành chính cấp hạt theo địa điểm đóng trụ sở. Đặc biệt, lúc bấy giờ từ việc địa danh "Cần Thơ" ban đầu chỉ là tên gọi trong dân gian để chỉ vùng đất thôn Tân An dọc theo con sông Cần Thơ, chính quyền thực dân Pháp đã chính thức hóa tên gọi "Cần Thơ" bằng những văn bản hành chính để chỉ địa danh cấp hạt và sau này là cấp tỉnh ở xứ Nam Kỳ: "hạt Cần Thơ", "tỉnh Cần Thơ". Ngoài ra, tên gọi nơi đặt lỵ sở hạt và sau này là tên gọi nơi đặt tỉnh lỵ cũng đều được gọi bằng địa danh "Cần Thơ".

Ngày 1 tháng 1 năm 1900, tất cả các hạt tham biện ở Đông Dương điều thống nhất gọi là "tỉnh", trong đó có tỉnh Cần Thơ. Hai tổng Định Bảo và Định An ban đầu trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Cũng về sau, làng Trường Thạnh được đổi tên thành làng Thường Thạnh Đông, đồng thời tách đất làng Đông Phú để thành lập mới làng Phú Thứ và làng Thạnh An. Thời Pháp thuộc, các làng Tân An, Tân Thạnh Đông, Thạnh An, Thường Thạnh và Thường Thạnh Đông cùng thuộc tổng Định Bảo; riêng các làng Phú Thứ và Đông Phú cùng thuộc tổng Định An.

Năm 1913, thực dân Pháp thành lập quận Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ. Từ đó, tổng Định Bảo trực thuộc quận Châu Thành, vốn là nơi đặt tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ. Lúc bấy giờ, làng Tân An vừa đóng hai vai trò là nơi đặt quận lỵ quận Châu Thành và tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ. Năm 1917, quận Phụng Hiệp thuộc tỉnh Cần Thơ được thành lập, lúc này tổng Định An thuộc quận Phụng Hiệp. Năm 1921, tỉnh Cần Thơ có thêm quận Trà Ôn, bao gồm tổng Bình Lễ của quận Cầu Kè chuyển sang và tổng Định An của quận Phụng Hiệp chuyển sang.

Ngày 14 tháng 12 năm 1932, quận Cái Răng thuộc tỉnh Cần Thơ được thành lập trên cơ sở đổi tên từ quận Châu Thành, gồm tổng Định Bảo của quận Châu Thành cũ và tổng Định An của quận Trà Ôn cũ. Tên quận mới được lấy theo tên gọi nơi đặt quận lỵ mới là Cái Răng (thuộc làng Thường Thạnh), còn trước đó quận lỵ quận Châu Thành cũ đặt ngay tại tỉnh lỵ Cần Thơ (thuộc làng Tân An).

Ngày 27 tháng 06 năm 1934, quận Cái Răng được đổi lại tên cũ là quận Châu Thành. Các tổng Định An và Định Bảo cùng thuộc quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Địa bàn làng Tân An khi đó vẫn bao gồm cả vùng đất phía nam sông Cần Thơ, tương đương với các phường Hưng Phú và Hưng Thạnh của quận Cái Răng ngày nay. Về sau, thực dân Pháp cũng hợp nhất ba làng Tân Thạnh Đông, Phú Lợi và Thạnh Mỹ (cùng thuộc tổng Định Bảo) thành một làng mới lấy tên là làng Tân Phú Thạnh.

Giai đoạn 1956-1976

Việt Nam Cộng hòa

Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, theo Sắc lệnh số 143-NV, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh. Lúc này, phần đất nằm ở phía nam sông Cần Thơ vốn trước đó thuộc xã Tân An cũng được tách ra để thành lập mới xã Thuận Đức. Lúc này, các xã Tân Phú Thạnh, Thạnh An, Thường Thạnh, Thường Thạnh Đông cùng thuộc tổng Định Bảo; các xã Đông Phú, Phú Thứ, Tân An, Thuận Đức cùng thuộc tổng Định An. Các tổng Định An và Định Bảo vẫn cùng thuộc quận Châu Thành như cũ.

Sau năm 1965, cấp tổng bị bãi bỏ, các xã trực thuộc quận. Ban đầu, xã Tân An vẫn đóng hai vai trò là nơi đặt quận lỵ quận Châu Thành và tỉnh lỵ Cần Thơ của tỉnh Phong Dinh. Tuy nhiên, về sau quận lỵ quận Châu Thành lại được dời về Cái Răng, về mặt hành chánh thuộc địa bàn xã Thường Thạnh.

Ngày 30 tháng 9 năm 1970, theo Sắc lệnh số 115-SL/NV của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Trần Thiện Khiêm, thị xã Cần Thơ được chính thức tái lập và là thị xã tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng hòa, đồng thời kiêm tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh. Khi đó, toàn bộ xã Thuận Đức được giao cho thị xã Cần Thơ quản lý và được chia lại thành phường Hưng Phú và phường Hưng Thạnh. Hai phường này cùng trực thuộc quận 2 (quận Nhì), thị xã Cần Thơ.

Chính quyền Cách mạng

Tuy nhiên phía chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Phong Dinh mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cần Thơ, đồng thời vẫn duy trì thị xã Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ trong giai đoạn 1956-1972. Lúc bấy giờ, phía chính quyền Cách mạng cũng gọi vùng đất quận Châu Thành thuộc tỉnh Phong Dinh bằng danh xưng là huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ.

Tháng 8 năm 1972, Thường vụ Khu ủy Khu 9 của phía chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hình thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Khu 9, là đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng với tỉnh Cần Thơ. Đồng thời, chính quyền Cách mạng vẫn duy trì các đơn vị hành chính cấp quận, phường và khóm bên dưới giống như phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho đến đầu năm 1976.

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ vẫn duy trì hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơthành phố Cần Thơ cho đến đầu năm 1976. Lúc này, ở khu vực thành phố Cần Thơ, chính quyền Cách mạng cho hợp nhất hai phường Hưng Phú và Hưng Thạnh thành phường Thạnh Phú. Bên cạnh đó, ở khu vực huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ, thị trấn Cái Răng cũng được thành lập do tách đất từ xã Thường Thạnh và trở thành thị trấn huyện lỵ của huyện Châu Thành.

Giai đoạn 1976-2003

Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ để thành lập tỉnh mới với tên gọi là tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, quận 2 (quận Nhì) cũng bị giải thể, phường Thạnh Phú trực thuộc thành phố do thành phố Cần Thơ lúc này chuyển thành thành phố cấp huyện, trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Tháng 12 năm 1976, huyện Châu Thành hợp nhất hai xã Thạnh An và Phú Thứ lại thành xã Phú An.

Ngày 21 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 174-CP3 về việc chia một số phường xã thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang. Theo đó, chia phường Thạnh Phú thành hai đơn vị lấy tên là phường Hưng Phú và xã Hưng Thạnh cùng trực thuộc thành phố Cần Thơ.

Năm 1986, huyện Châu Thành lại hợp nhất hai xã Thường Thạnh và Thường Thạnh Đông lại thành xã Đông Thạnh.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Thành phố Cần Thơ và huyện Châu Thành khi đó trở lại cùng thuộc tỉnh Cần Thơ cho đến cuối năm 2003. Trong giai đoạn này, Cái Răng vẫn tiếp tục giữ vai trò là thị trấn huyện lỵ của huyện Châu Thành.

Ngày 6 tháng 11 năm 2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 64/2000/NĐ-CP4 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành để tái lập huyện Châu Thành A, tỉnh Cần Thơ. Xã Tân Phú Thạnh được giao về cho huyện Châu Thành A quản lý.

Từ năm 2004 đến nay

Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH115 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang. Địa giới hành chính các huyện Châu ThànhChâu Thành A cũng bị chia tách một phần về thành phố Cần Thơ, phần còn lại thuộc tỉnh Hậu Giang. Theo đó, một phần của huyện Châu Thành, bao gồm: thị trấn Cái Răng; các ấp Thạnh Mỹ, Thạnh Huề, Thạnh Thắng, Yên Hạ và 176 ha diện tích cùng với 2.216 ngưười của ấp Phú Quới thuộc xã Đông Thạnh; các ấp Thạnh Hóa, Thạnh Hưng, Thạnh Thuận, An Hưng, Thạnh Phú, Phú Khánh, Khánh Bình và 254,19 ha diện tích cùng với 1.806 người của ấp Phú Hưng thuộc xã Phú An; các ấp Phú Thành, Phú Thạnh, Phú Thuận, Phú Thuận A và 304,61 ha diện tích cùng với 1.262 người của ấp Phú Lợi thuộc xã Đông Phú; và một phần của huyện Châu Thành A, bao gồm: xã Trường Long; xã Nhơn Ái; xã Nhơn Nghĩa; ấp Tân Thạnh Đông và 84,7 ha diện tích cùng với 640 người của ấp Tân Thạnh Tây thuộc xã Tân Phú Thạnh được giao về cho thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương quản lý. Tỉnh Hậu Giang quản lý phần còn lại của huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A.

Ngày 02 tháng 01 năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã ra Nghị định số 05/2004/NĐ-CP6 , về việc thành lập các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Nội dung về việc thành lập quận Cái Răng và các phường trực thuộc theo Nghị định như sau:

  • Thành lập quận Cái Răng thuộc thành phố Cần Thơ trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Hưng Phú, xã Hưng Thạnh (thuộc thành phố Cần Thơ cũ); toàn bộ 246,37 ha diện tích tự nhiên và 13.968 nhân khẩu của thị trấn Cái Răng, 1.035,81 ha diện tích tự nhiên và 10.431 nhân khẩu của xã Đông Thạnh, 2.013,29 ha diện tích tự nhiên và 12.781 nhân khẩu của xã Đông Thạnh, 2.013,29 ha diện tích tự nhiên và 12.781 nhân khẩu của xã Phú An, 806,66 ha diện tích tự nhiên và 6.386 nhân khẩu của xã Đông Phú thuộc huyện Châu Thành; 531,52 ha diện tích tự nhiên và 6.339 nhân khẩu của xã Tân Phú Thạnh thuộc huyện Châu Thành A.
  • Thành lập phường Lê Bình trên cơ sở toàn bộ 246,37 ha diện tích tự nhiên và 13.968 nhân khẩu của thị trấn Cái Răng.
  • Thành lập phường Thường Thạnh trên cơ sở 1.035,81 ha diện tích tự nhiên và 10.431 nhân khẩu của xã Đông Thạnh (thuộc huyện Châu Thành).
  • Thành lập phường Phú Thứ trên cơ sở 2.013,29 ha diện tích tự nhiên và 12.781 nhân khẩu của xã Phú An (thuộc huyện Châu Thành).
  • Thành lập phường Tân Phú trên cơ sở 806,66 ha diện tích tự nhiên và 6.386 nhân khẩu của xã Đông Phú (thuộc huyện Châu Thành).
  • Thành lập phường Ba Láng trên cơ sở 531,52 ha diện tích tự nhiên và 6.339 nhân khẩu của xã Tân Phú Thạnh (thuộc huyện Châu Thành A).
  • Thành lập phường Hưng Thạnh trên cơ sở toàn bộ 867,15 ha diện tích tự nhiên và 8.249 nhân khẩu của xã Hưng Thạnh (thuộc thành phố Cần Thơ cũ).

Quận Cái Răng sau khi được thành lập có 6.253,43 ha diện tích tự nhiên và 74.942 nhân khẩu; có 7 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường: Lê Bình, Thường Thạnh, Phú Thứ, Tân Phú, Ba Láng, Hưng Phú, Hưng Thạnh.

Đường phố trên địa bàn quận

Các tuyến đường chính

  • Quốc lộ 1 (đi qua các phường Hưng Phú, Hưng Thạnh, Thường Thạnh và Ba Láng)
  • Quốc lộ 1 cũ (đoạn đi qua các phường Ba Láng và Lê Bình)
  • Quang Trung (đi qua phường Hưng Phú)
  • Võ Nguyên Giáp (đường Nam Sông Hậu đi qua các phường Hưng Thạnh, Phú Thứ và Tân Phú)
  • Đường nối Cần Thơ - Vị Thanh (đi qua phường Ba Láng)

Đường địa phương

Hạ tầng

Hiện nay quận đang triển khai đầu tư xây dựng khu đô thị Hưng Phú nằm trên địa bàn phường Hưng Phú.

Cái Răng trong thơ ca

Cái Răng ba nhịp cầu thân ái
Soi bóng nhiều năm giữa nước mây
Đò mộng thong dong tình trĩu nặng
Mãi thương hình ảnh dáng cầu quay.
Và Cái Răng trời lên dáng xưa
Lời Trung Hoa vọng buổi giao mùa
Thương em áo trắng buồn đơn chiếc,
Hai đứa xa từ trong giấc mơ.

XÓM CHÀI

Mây trắng Cần Thơ vương tóc em
Chiều mơ lả lướt mấy con thuyền
Đèn lên bến nhỏ sầu manh lưới
Đưa đón nhau - đò qua nửa đêm.

Ảnh

Chú thích

  1. ^ a ă â “Mã số đơn vị hành chính Việt Nam”. Bộ Thông tin & Truyền thông. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2012. 
  2. ^ Quyết định thành lập
  3. ^ “Quyết định 174”. Truy cập 29 tháng 9 năm 2015. 
  4. ^ “Nghị định 64/2000/NĐ”. Truy cập 29 tháng 9 năm 2015. 
  5. ^ “Nghị quyết 22/2003/QH11 chia và điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh”. Truy cập 29 tháng 9 năm 2015. 
  6. ^ http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-dinh-05-2004-ND-CP-thanh-lap-cac-quan-Ninh-Kieu-Binh-Thu-Cai-Rang-O-Mon-huyen-Phong-Dien-Co-Do-Vinh-Thach-Thot-Not-thuoc-thanh-pho-Can-Tho-vb52394t11.a


(Nguồn: Wikipedia)