Phú Vang là một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Thừa Thiên-Huế, Việt Nam.

Địa lý - Hành chính

- Tổng diện tích: 278,24 km2 (theo niên giám thống kê năm 2015).

- Dân số: 182.141 người (theo niên giám thống kê năm 2015).

- Mật độ dân số: 655 người/km2

- Vị trí địa lý:

+ Phía Đông giáp Biển Đông.

+ Phía Tây giáp thành phố Huếthị xã Hương Thủy

+ Phía Nam giáp huyện Phú Lộc

+ Phía Bắc giáp thị xã Hương Trà

Phú Vang là huyện có tiềm năng lớn về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản với bờ biển dài trên 35 km, có cửa biển Thuận An và nhiều đầm phá như đầm Sam, đầm Chuồn, đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung, đầm Thủy Tú nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với diện tích trên 6.800 ha mặt nước, là tiềm năng lớn để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn, là thế mạnh, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Huyện có cảng biển Thuận An là vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế, có tiềm năng lớn về kinh tế đang được khai thác và sử dụng. Bãi tắm Thuận An xinh đẹp nổi tiếng, là nơi nghỉ mát lý tưởng đối với khách du lịch trong nước và ngoài nước khi đến tham quan Cố đô Huế.

Trên địa bàn huyện có quốc lộ 49, tỉnh lộ 10A, 10B, 10C và các tuyến trục ngang nối các tỉnh lộ với quốc lộ tạo thành một hệ thống đường giao thông hợp lý, thuận lợi cho giao lưu trong nội bộ huyện và với bên ngoài.

Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía Bắc giáp biển Đông, phía Tây giáp thị xã Hương Trà và thành phố Huế, phía Nam giáp thị xã Hương Thủy, phía Đông giáp huyện Phú Lộc. Diện tích tự nhiên 280,83 km2, trong đó đất nông nghiệp 10.829,44 ha, đất phi nông nghiệp 13.932,94 ha, còn lại đất chưa sử dụng. Toàn huyện có 20 đơn vị hành chính, bao gồm 18 xã: Phú An, Phú Diên, Phú Dương, Phú Hải, Phú Hồ, Phú Lương, Phú Mậu, Phú Mỹ, Phú Thanh, Phú Thuận, Phú Thượng, Phú Xuân, Vinh An, Vinh Hà, Vinh Phú, Vinh Thái, Vinh Thanh, Vinh Xuân và 2 thị trấn: Phú Đa, Thuận An.

Lịch sử

Nguyên xưa, nơi đây là vùng đất thuộc châu Lý của Chiêm Thành. Sau khi được sáp nhập vào Đại Việt, nhà Trần đã đổi tên châu Lý thành Hóa Châu. Thời Lê, đặt thành huyện Tư Vinh thuộc phủ Triệu Phong. Đầu thời Nguyễn đổi tên là huyện Phú Vinh, nhưng thường đọc trại thành Phú Vang.

Sau năm 1975, huyện Phú Vang có 20 xã: Phú An, Phú Đa, Phú Diên, Phú Dương, Phú Hải, Phú Hồ, Phú Lương, Phú Mậu, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Thanh, Phú Thuận, Phú Thượng, Phú Xuân, Vinh An, Vinh Hà, Vinh Phú, Vinh Thái, Vinh Thanh, Vinh Xuân.

Ngày 11-3-1977, huyện được sáp nhập với huyện Hương Thủy thành huyện Hương Phú, ngày 11-9-1981, các xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân được sáp nhập vào thành phố Huế, đến ngày 30-9-1990, huyện lại được tách thành huyện Phú Vang như hiện nay; đồng thời sáp nhập 6 xã: Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân, Thuận An của thành phố Huế về huyện Phú Vang quản lý.

Ngày 20-8-1999, hai xã Thuận An và Phú Tân hợp nhất thành thị trấn Thuận An, tuy nhiên Thuận An không phải thị trấn huyện lị huyện Phú Vang, các cơ quan hành chính của huyện đóng tại xã Phú Đa.

Ngày 30-5-2011, chuyển xã Phú Đa thành thị trấn Phú Đa - thị trấn huyện lị huyện Phú Vang.

Theo quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Thuận An và các xã: Phú An, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Mỹ, Phú Thanh, Phú Thuận, Phú Thượng sẽ được tách ra để thành lập thị xã Thuận An và sẽ là thị xã thứ 3 của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong tương lai.

Kinh tế

Đầm phá Tam Giang chạy qua giữa huyện với nhiều đầm nổi tiếng: đầm Sam, đầm Thủy Tú, đầm Chuồn, đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung rất giàu thủy hải sản và là địa điểm du lịch sinh thái tiềm năng trong tương lai.

Trên địa bàn huyện có nhiều chợ lớn như: chợ Gia Lạc, chợ Nọ, chợ Mai, chợ Nam Phổ, chợ Thuận An, chợ Cự Lại, chợ Hà Thanh,...

Giáo dục

Hiện nay trên địa bàn huyện có 1 trường tiểu học, 3 trường Trung hoc phổ thông là trường tiểu học Phú Xuân 1 (xã Phú Xuân), trường THPT Phan Đăng Lưu (xã Phú Dương), trường THPT Thuận An (thị trấn Thuận An), trường THPT Nguyễn Sinh Cung (thị trấn Phú Đa) và một trường THCS và THPT Hà Trung (xã Vinh Hà).

Ẩm thực

Phú Vang nổi tiếng với món ăn như bánh canh Nam Phổ (thôn Trung Đông, Xã Phú Thượng), bánh tét và rượu gạo làng Chuồn (thôn An Truyền, xã Phú An), rượu gạo Vinh Thanh, nước mắm làng Trài (xã Phú Hải),....

Di tích - Danh thắng

Vào năm 2001, tại phần đất giáp ranh giữa thôn Mỹ Khánh và thôn Phương Diên, xã Phú Diên (cách Huế khoảng 25 km theo quốc lộ 49 và 49B) đã phát hiện tháp điêu khắc nghệ thuật của dân tộc Chăm (niên đại xây dựng thế kỉ VIII - SCN). Cũng vào năm đó tháp Chăm Phú Diên đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Và đến năm 2005 đã được tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trùng tu để trả lại dáng vẻ ban đầu.

Làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sinh sống và học tập thời niên thiếu trong những năm ở Huế từ 1898 - 1900. Nơi đây vẫn còn lưu lại di tích.

Bãi tắm Thuận An (cách TP.Huế khoảng 12 km) với bãi cát dài và trắng mịn, là nơi nghỉ ngơi và tắm biển của nhiều du khách.

Là nơi diễn ra các lễ hội, tập quán phong phú như: hội vật làng Sình (xã Phú Mậu), chợ Gia Lạc mở trong ngày Tết (xã Phú Thượng), Lễ hội Cầu ngư ở Thuận An (3 năm tổ chức hội lớn một lần với các hoạt động như đua thuyền,...).

Ngoài ra khi nói đến Phú Vang, người ta còn nhắc đến một "thành phố lăng" đầy vẻ bí ẩn. Đó chính là khu nghĩa địa ở làng An Bằng, xã Vinh An được xây dựng rất đồ sộ và hoành tráng.

Danh nhân nổi bật

  • Giáo sư Hồ Đắc Di (An Truyền, Phú An)
  • Lê Quang Định
  • Nhạc sĩ Châu Kỳ (Dưỡng Mong, Phú Mỹ)
  • Nguyễn Chí Diểu (xã Phú Mậu)

...

Tham khảo

(Nguồn: Wikipedia)