Campuchia | Việt Nam |
Quan hệ Việt Nam - Campuchia là mối quan hệ song phương giữa hai nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Nó đã trở nên căng thẳng kéo dài trong suốt chiến tranh Việt Nam-Campuchia (1976 - 1990). Sau đó, cả hai nước đã có những bước tiến trong việc tạo dựng mối quan hệ hữu nghị bền chặt. Đến năm 2012 bắt đầu xuất hiện những rạn nứt trong quan hệ Việt Nam - Campuchia với việc Campuchia gây chia rẽ các quốc gia ASEAN tại hội nghị AMM-45.1 2
Lịch sử
Việt Nam có chung đường biên giới dài 1.137 km với Campuchia.3 Trong lịch sử, đặc biệt là thời kỳ Nam tiến, Campuchia đã bị mất đất về tay Việt Nam và phải triều cống cho Việt Nam.4 Vào thế kỉ 19, cả hai đều trở thành thuộc địa của thực dân Pháp và cùng với Lào tạo thành Đông Dương thuộc Pháp. Những nhà yêu nước của cả Việt Nam và Campuchia đã cùng cộng tác để chống Pháp trong chiến tranh Đông Dương (1945-1954) nhằm mục đích dành độc lập cho mỗi dân tộc4 , song lại bị những nhà dân tộc chủ nghĩa đối lập ở Campuchia, bao gồm vua tương lai Norodom Sihanouk, nghi ngờ là ý đồ thuộc địa hóa Campuchia của Việt Nam. Trong chiến tranh Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng lãnh thổ của Campuchia, một nước trung lập, để phát động các cuộc tấn công vào miền Nam Việt Nam, cùng lúc với lực lượng Khmer Đỏ vốn đang là đồng minh Việt Cộng bấy giờ. Điều này là cái cớ cho Mỹ ném bom vào lãnh thổ Campuchia với lý do tiêu diệt Việt Cộng ẩn núp ở Campuchia, tuy nhiên cùng lúc đó lại làm chết 150.000 người Campuchia.5 Với sự rút lui của quân Mỹ và việc cộng sản thắng lợi ở Việt Nam và Campuchia năm 1975, cả ba nước Đông Dương đều đi theo chế độ cộng sản.4
Chiến tranh Việt Nam Campuchia
Sự phát triển trong quan hệ ngoại giao và thương mại song phương
Từ thập niên 1990, mối quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện. Cả hai đều là thành viên của các tổ chức đa phương của vùng như ASEAN và Hợp tác Mê Kông-Sông Hằng. Cả hai đều đang mở cửa và phát triển thương mại cửa khẩu và tìm cách nới lỏng các quy định về thị thực cho công dân hai nước.3 Cả hai chính phủ của hai nước đã đặt mục tiêu gia tăng thương mại song phương 27% lên mức 2,3 tỉ USD năm 2010 và 6,5 tỉ USD năm 20153 6 Việt Nam đã xuất khẩu 1,2 tỉ USD giá trị hàng hóa sang Campuchia năm 2007. Trong khi Campuchia chỉ là nhà nhập khẩu lớn thứ 16 của Việt Nam thì Việt Nam lại là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Campuchia.3
Tranh cãi về biên giới
Campuchia có đường biên giới chung dài 1.270 km với Việt Nam và từ năm 2006 đến nay, hai bên đã phân giới được khoảng 920 km trong tổng số chiều dài đường biên giới khoảng 1137 km; xác định được 260/314 vị trí mốc (đạt 84,1%); xây dựng được 305/371 cột mốc (đạt 82,2%); quy thuộc được 104 cồn bãi, trong đó: 39 cồn bãi quy thuộc Việt Nam, 65 cồn bãi quy thuộc Campuchia 7 . Tuy nhiên, đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) nhiều lần cáo buộc chính phủ Campuchia sử dụng những tấm bản đồ do Việt Nam vẽ ra trong những năm 1980. Do đó, ngày 6.7.2015, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đề nghị Liên Hiệp Quốc cung cấp những bản đồ gốc tổ chức này lưu trữ để kiểm tra tính xác thực của bản đồ Phnom Penh đang sử dụng để xác định biên giới với các nước láng giềng. Theo ông Hun Sen, cố quốc vương Norodom Sihanouk đã gửi bản đồ do Cơ quan Địa lý Đông Dương phát hành và được quốc tế công nhận trong giai đoạn từ năm 1963 đến năm 1969 tại Liên Hiệp Quốc.8
Tư tưởng bài Việt Nam ở Campuchia
Do có lịch sử đối đầu dai dẳng, đặc biệt là do Campuchia đã dần suy yếu vào thế kỷ 14 và sự trỗi dậy của Đại Việt, nhiều vùng lãnh thổ vốn là của Campuchia, bao gồm vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn do người Khmer chiếm giữ, bị mất vào tay Việt Nam vào thế kỷ 17, và sự đối lập văn hóa giữa hai nước (Việt Nam thuộc Vùng văn hóa Đông Á trong khi Campuchia thuộc vùng văn hóa Ấn Độ), tư tưởng thù địch với Việt Nam trỗi dậy mạnh ở Campuchia. Mặc dù vấn đề này nhiều lần bị lợi dụng bởi các chính khách Campuchia để chiếm lấy quyền lực, nó đã dần ăn sâu vào văn hóa và tiềm thức người Campuchia rằng Việt Nam luôn là những điều bất hạnh và cực khổ ở Campuchia. Thậm chí đã xảy ra các cuộc tấn công người Việt ở Campuchia bởi những phần tử dân tộc cực đoan ở nước này.
Người Thái và người Hoa ít nhận sự ác cảm này do Thái Lan có mối quan hệ văn hóa gần gũi với Campuchia trong khi Trung Quốc là nhà tài trợ và đầu tư chính cho Campuchia, mặc dù chính người Thái đã tàn phá Angkor và Trung Quốc đã từng hậu thuẫn Khmer Đỏ trước đây.
Chú thích
- ^ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/07/120718_cambodia_faces_choice.shtml
- ^ “Việt Nam, Philippines tiếc AMM-45 không ra thông cáo chung - VietNamNet”. VietNamNet. Truy cập 5 tháng 10 năm 2015.
- ^ a ă â b “Viet Nam-Cambodia trade set to increase 27%”. Báo Kinh doanh Việt Nam. Ngày 18 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2008.
- ^ a ă â “Quan hệ của Việt Nam với Campuchia và Lào”. Library of Congress. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2008.
- ^ Kiernan, B, Cách Pol Pot giành được quyền lực
- ^ “Cambodia, Viet Nam target $2.3 billion in bilateral trade by 2010”. Vietnam News. Ngày 21 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2008.
- ^ Việt Nam-Campuchia quyết không để vấn đề biên giới lan rộng, vnexpress, 6.7.2015
- ^ Campuchia muốn xác thực bản đồ phân định biên giới, vnexpress, 9.7.2015
Bản mẫu:Quan hệ ngoại giao Campuchia
(Nguồn: Wikipedia)