Trịnh Tùng
鄭松
Vua Việt Nam (chi tiết...)
Trịnh Tùng.png
Chân dung Trịnh Tùng trong Trịnh gia chính phả
Trịnh Vương
Tại vị 1570 – 1623
Tiền nhiệm Trịnh Cối
Thời kỳ
  • Lê Anh Tông (1556 - 1573)
  • Lê Thế Tông (1573 - 1599)
  • Lê Kính Tông (1599 - 1619)
  • Lê Thần Tông (1619 - 1643)
Kế nhiệm Trịnh Tráng
Thông tin chung
Thê thiếp Lại Thị Ngọc Nhu
Đặng Thị Ngọc Bảo
Hậu duệ
Tên đầy đủ Trịnh Tùng (鄭松)
Tước hiệu Bình An Vương (平安王)
Thụy hiệu Triết Vương (哲王)
Miếu hiệu Thành Tổ (成祖)
Triều đại Vương tộc Trịnh
Thân phụ Trịnh Kiểm
Thân mẫu Nguyễn Thị Ngọc Bảo
Sinh 1550
Mất 1623 (72–73 tuổi)
Thanh Oai, Đông Kinh, Đàng Ngoài, Đại Việt

Trịnh Tùng (chữ Hán: 鄭松, 1550 – 1623), thụy hiệu Thành Tổ Triết Vương (成祖哲王), là vị chúa đầu tiên của vương tôc Trịnh cầm quyền ở miền bắc Đại Việt thời Lê trung hưng. Ông cai trị từ năm 1570 tới năm 1623. Xét theo thế thứ, ông là đời thứ hai của họ Trịnh kế tục nhau lãnh binh quyền "phù Lê". Tuy nhiên cha ông là Trịnh Kiểm chỉ mới được phong tước công, thụy hiệu Thái Vương của Trịnh Kiểm là do đời sau đặt. Phải từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới nhận tước vương khi còn tại vị, được gọi là chúa và lập thế tử, nên ông được xem là vị chúa Trịnh chính thức đầu tiên.

Sau khi cha là Trịnh Kiểm qua đời, Trịnh Tùng nổi dậy đánh đuổi anh là Trịnh Cối, đoạt lấy binh quyền Nam triều. Năm 1573, ông lật đổ vua Lê Anh Tông và đưa vua nhỏ Lê Thế Tông lên làm vua bù nhìn, bản thân nắm hết quân quốc đại sự. Năm 1592, Trịnh Tùng xuất quân bắc phạt, giành lại Đông Đô từ tay nhà Mạc, hoàn thành sự nghiệp trung hưng triều Lê. Sau đó, ông buộc nhà vua phải phong cho mình tước Bình An Vương (平安王) và lập con làm thế tử, thiết lập phủ chúa tại thành Đông Kinh, chính thức mở ra cơ đồ 200 năm của họ Trịnh. Những năm tiếp theo, Trịnh Tùng lo việc thông hiếu với nước Minh, đối phó với dư đảng họ Mạc ở phía bắc và sự trỗi dậy của họ Nguyễn ở phương nam.

Năm 1619, vua Lê Kính Tông cùng con thứ của ông là Trịnh Xuân lập mưu hãm hại ông, Tùng bèn giết vua rồi đưa cháu ngoại của mình lên ngôi. Bốn năm sau, Trịnh Tùng bị bệnh nặng; Trịnh Xuân lại nổi loạn song nhanh chóng bị diệt. Trịnh Tùng qua đời trong cùng năm đó, ngôi chúa được truyền cho con trai thứ hai là Trịnh Tráng.

Thân thế

Trịnh Tùng là con trai thứ của Trịnh Kiểm, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, con gái Nguyễn Kim. Trước kia Nguyễn Kim là người đi đầu trong việc trung hưng nhà Lê, sau khi Kim chết (1545), Trịnh Kiểm là con rể đã giành hết binh quyền, giết con của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông và đẩy Nguyễn Hoàng ra Thuận Hóa. Từ đó chính sự trong nước về tay Trịnh Kiểm, đó là nền móng của chính quyền các chúa Trịnh về sau.

Trịnh Tùng chào đời vào năm 1550 dưới triều Trung Tông nhà Lê, Tuyên Tông nhà Mạc tại Thanh Hóa. Khi Trịnh Kiểm còn sinh thời, Trịnh Tùng được nhận phong Phú Lương hầu. Ông là người tài đức, anh hùng nhất đời, có thể nối được chí cha, giúp nên nghiệp đế.[1]

Tranh giành với Trịnh Cối

Từ mùa đông năm 1569, Trịnh Kiểm già yếu, có biểu xin trí sĩ, Lê Anh Tông có chiếu cho con trưởng là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối giữ binh quyền. Ngày 24 tháng 3 năm 1570, Trịnh Kiểm bệnh nặng rồi mất, nhà vua dùng Trịnh Cối lên thay, quản lĩnh quân đội.[2][3]

Từ sau khi lên nắm quyền, Trịnh Cối sa vào tửu sắc, không quan tâm đến công việc, khiến các tướng dưới quyền bất mãn. Cối lại có ý cướp binh quyền của Tùng. Các tướng Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu, Phan Công Tích và Trịnh Bách đang đêm dẫn thủ hạ tới đầu quân cho Trịnh Tùng. Tùng chớp được cơ hội, cùng bọn Cập Đệ đến chỗ Anh Tông Tuấn hoàng đế ở An Trường, giữa đường gặp Nghĩa quận công Đặng Huấn cũng ép phải đi theo. Khi vào yết kiến, Tùng khóc nói rằng:[4][3]

"Anh của thần là Cối đam mê tửu sắc, làm nhiều việc mất lòng người, chẳng sớm thì chầy tất đến loạn mất! Nay Cối lại định tước đoạt số quân của thần, nên bọn thần đang đêm phải chạy đến gieo mình ở cửa cung khuyết"

Rồi đưa hoàng đế vào phía trong cửa ải Vạn Lại, chia quân phòng giữ các nơi hiểm yếu. Ngày 7 tháng 5, Trịnh Cối cùng Lại Thể Mĩ, Lại Thế Khanh... đem quân tới đánh. Hai bên kình nhau mấy ngày không phân thắng bại. Lê Anh Tông sai sứ sang chiêu dụ hai bên giảng hòa nhưng không có kết quả. Lại Thế Mĩ đưa quân đánh vào Vạn Lại hòng bắt nhà vua. Hai bên đánh nhau mấy ngày, bản thân Trịnh Cối nhận thấy thất lợi, bèn lui Biện Dinh, bố trí các tướng chống giữ các nơi.[5]

Ngày 15 tháng 9, Mạc Kính Điển được tin Nam triều có loạn, liền đem 10 vạn quân đánh xuống Thanh Hóa. Trịnh Cối không chống nổi, liền đem vợ con hàng họ Mạc.[6][5] Ngày 20 tháng 9 ÂL, vua Lê Anh Tông sắc phong Trịnh Tùng làm trưởng quận công, tiết chế các dinh thủy bộ, cầm quân đánh giặc. Trịnh Tùng hội các tướng, lập lời thề rồi chia quân đóng giữ các cửa lũy, đào hào, dựng rào, đặt quân mai phục, giữ cỗ hiểm yếu để phòng ngừa quân Mạc. Mùa đông năm đó, Kính Điển thừa thắng tấn công vào An Trường, quan quân phải lui về thế thủ. Lê Cập Đệ cho xây thành giả để đánh lừa quân giặc. Kính Điển đốc thúc quân đánh gấp. Quân Nam triều thường nhân ban đêm tập kích khiến quân Mạc rơi vào thế bị động, sau đó thua liên tục đến tháng 12 ÂL thì Kính Điển phải lui hẳn về bắc do thiếu lương thực.[7][8]

Làm việc phế lập

Mùa xuân năm 1571, Trịnh Tùng được nhận phong Thái úy Trường quốc công, nắm giữ binh quyền nam triều. Bấy giờ Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ có ý khác, mưu giết Tả tướng để đoạt quyền. Có lần Cập Đệ rủ Tả tướng ra sông để tìm cách giết, nhưng việc không thành. Trịnh Tùng biết Cập Đệ có ý chống lại mình, nhưng bề ngoài vẫn đối xử tử tế. Ngày 25 tháng 12 năm 1572, nhân lúc Cập Đệ tới chỗ mình, Tùng bí mật sai đao phủ phục sẵn, đến đó thì xông ra giết chết; phao là Cập Đệ mưu phản, nên nhà vua sai giết đi.[9][10]

Bọn Cảnh Hấp, Đình Ngạn nói với vua về việc chuyên quyền của Tả tướng. Nhà vua có ý nghi ngờ, đương đêm đem bốn hoàng tử Bách, Lựu, Ngạnh, Tùng chạy về Nghệ An. Trịnh Tùng bàn với các tướng rằng:[9]

Nay vua nghe lời gièm của kẻ tiểu nhân, phút chốc khinh suất đem ngôi báu xuôi giạt ra ngoài. Thiên hạ không thể một ngày không có vua, bọn ta và quân lính sẽ lập công danh với ai được? Chi bằng trước hết hãy tìm hoàng tử lập lên để yên lòng người, rồi sau sẽ đem quân đi đón vua cũng chưa muộn

Trịnh Tùng bèn cho người đón hoàng tử thứ năm là Lê Duy Đàm đang ở xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên về tôn làm vua, tức là Lê Thế Tông. Trịnh Tùng lại sai Nguyễn Hữu Liêu ra Nghệ An đón Anh Tông. Anh Tông lánh ra ruộng mía, nhưng cũng bị bắt được, đưa về Thanh Hóa. Ngày 23 tháng 2 năm 1573, Tống Đức Vị ngầm giết vua ở huyện Lôi Dương rồi phao tin rằng vua thắt cổ chết.[11][12] Trịnh Tùng tự phong thêm cho mình làm đô tướng tiết chế các doanh quân thủy quân bộ ở các xứ kiêm giữ việc quân việc nước quan trọng. Phàm các sự vụ cơ mật quốc gia đều tự Trịnh Tùng quyết định cả. Trịnh Tùng lại dùng Vũ Công Kỷ làm hữu tướng, bọn Hoàng Đình Ái, Vũ Sư Thước và Nguyễn Hữu Liêu làm thái phó, và phong tước quận công cho bọn Trịnh Đỗ, Phạm Văn Khoái và Hà Thọ Lộc.

Chiến tranh với nhà Mạc

Chống giữ

Giai đoạn từ năm 1573 đến năm 1583 do việc nội bộ chưa yên nên Nam triều chủ yếu lo việc phòng thủ quân Mạc, còn nhà Mạc thì liên tiếp mở các cuộc tấn công xuống phía nam nhưng đều không thu được kết quả. Trong lúc đó trụ cột nhà Mạc là Mạc Kính Điển đã chết, Mạc Mậu Hợp bỏ bê chính sự, thế lực Bắc triều ngày càng suy yếu.[13]

Năm 1583, Trịnh Tùng xem thế quân mình đã mạnh bèn kéo ra Sơn Nam, đánh các huyện Yên Mô[Ghi chú 1], Yên Khang gặt lúa rồi lại kéo về.[14][15] Sang mùa xuân năm 1584, Trịnh Tùng kéo quân ra Trường Yên, rồi lại tiến quân đi tuần ở Thiên Quan. Vì Ngô Cảnh Hựu rút quân về trước, nên Trịnh Tùng liền đó rút quân quay về, dâng biểu xin giáng chức Cảnh Hựu xuống hai tư. Mùa xuân năm 1585, Trịnh Tùng chính mình đốc suất đại quân, kéo ra Thiên Quan, đánh phá các huyện Mỹ Lương, Thạch Thất và An Sơn, lược định mặt Tây đạo. Đóng quân ở Sài Sơn[Ghi chú 2], để tì tướng là quận Chiêu đóng đồn ở Hoàng Xá.[Ghi chú 3] Quân Mạc truy kích quận Chiêu bị chết trận. Tùng thấy không lợi rút quân về.

Mùa hạ năm 1587, Thái phó Vệ Dương hầu Trịnh Bách là bà con họ Trịnh, trước đó đã từng đồng mưu với Lê Cập Đệ hãm hại Trịnh Tùng nhưng được tha; đến đây lại nuôi kẻ đồng cốt làm thuật phép yêu quái và định táng mả cha vào nơi cấm địa, nên Tùng mới sai người thắt cổ giết chết Bách.[16][17] Mùa đông năm đó, Trịnh Tùng lại xuất quân ra bắc, đánh phá các huyện Trường Yên, Thiên Quan, bèn tiến quân ra vùng tây nam, đến huyện Mỹ Lương. Nhà Mạc sai Mạc Ngọc Liễn dẫn quân từ huyện An Sơn; Nguyễn Quyện từ huyện Chương Đức vượt sông Do Lễ[Ghi chú 4] đến kháng cự. Trịnh Tùng biết được kế chặn đường lương của họ Mạc, bèn sai đại tướng Hoàng Đình Ái cấp tốc đang đêm tiến lén về để giữ Thanh Hoa, Hà Thọ Lộc và Ngô Cảnh Hựu ở lại canh giữ binh lương ở phía sau. Lại cử Nguyễn Hữu Liêu và Trịnh Đỗ, từ đường phía tả, xuất quân đi cầm cự với Mạc Ngọc Liễn để phân tán thế lực của địch. Còn bản thân Trịnh Tùng đốc quân do đường bên phải kéo ra, tiến đánh Nguyễn Quyện. Quân Mạc bị thua trận, tổn hại rất nhiều. Hôm sau, quân Nam triều tấn công các huyện An Sơn, Thạch Thất; tuy nhiên khi đó đã là cuối năm nên Trịnh Tùng rút quân về.[18][19]

Mùa đông năm 1588, Trịnh Tùng kéo quân đánh phá Trường Yên và Thiên Quan, vượt sông Chính Đại,[Ghi chú 5] mà bắc tiến. Trịnh Tùng đóng quân ở trại Dương Vũ hơn một trận, rồi giả vờ đốt trại rút quân. Quân Mạc thừa cơ đuổi tới thì trúng vào ổ mai phục và thảm bại. Quân Lê lui về núi Tam Điệp[Ghi chú 6], hạ lệnh cho quân bố trí phòng thủ ở cửa biển Linh Trường[Ghi chú 7] để chặn thuyền giặc kéo tới.[20]

Mùa đông năm 1589, Trịnh Tùng lại dẫn quân tấn công huyện Trường Yên. Nhà Mạc sai Mạc Đôn Nhượng đóng quân ở Yên Mô[Ghi chú 8] tiếp chiến. Trịnh Tùng bàn mưu với các tướng: "Nay họ Mạc đem hết đại binh tới, chỉ cốt giao chiến với ta để quyết một trận sống mái. Quân địch nhiều, quân ta ít, thế mạnh yếu khác nhau. Nhưng ta đã ở vào đất hiểm, hẳn giặc không làm gì được. Binh pháp có nói: một người giữ chỗ hiểm, ngàn người không địch nổi, là thế đó. Ta nên giả cách rút quân, để dắt chúng vào chỗ hiểm. Nó tất khinh ta, đem hết quân đuổi theo. Ta dùng trọng binh đánh úp, ắt sẽ phá được". Vào canh ba đêm đó, ông sai Nguyễn Hữu Liêu mai phục ở chân núi; Trịnh Đỗ, Trịnh Đồng nhử giặc vào ổ mai phục; và lại giả bộ lui binh. Quân Mạc quả nhiên trúng mai phục, tử trận 1000 người, 600 người bị bắt. Trịnh Tùng thắng trận, lại đưa quân về Thanh Hóa.[21][22]

Giành lại Đông Kinh

Tình hình Đại Việt trước khi Trịnh Tùng bắc phạt. Họ Mạc Bắc triều vẫn nắm giữ vùng núi và vùng châu thổ sông Hồng, trong khi Nam triều nắm giữ các vùng đất từ Thanh Hoá trở vào

Ngày 3 tháng 12 năm 1592, Trịnh Tùng bàn việc ra quân bắc phạt với quy mô lớn; sai Quận Diễn Trịnh Văn Hải và quận Thái Nguyễn Thất Lý, quản lãnh quân thủy, quân bộ, trấn thủ những nơi hiểm yếu ở các cửa biển; Quận Thọ Lê Hòa kiêm coi võ sĩ trong ngoài thuộc bốn vệ theo hầu vua Lê Thế Tông và hộ vệ ngự doanh. Ông điều động 5 vạn quân, phân làm năm lộ sai Nguyễn Hữu Liêu, Hoàng Đình Ái, Hà Thọ Lộc, Ngô Cảnh Hựu chia nhau quản lãnh. Bản thân Trịnh Tùng dẫn 2 vạn binh trung quân kéo ra Tây Đô, theo đường Quảng Bình qua huyện Thiên Quan, hơn mười hôm thì đến núi Mã Yên, rồi tiến ra huyện Ma Nghĩa[Ghi chú 9]. Các lộ An Sơn, Thạch Thất, Phúc Lộc, Tân Phong đều nhanh chóng thất thủ; Trịnh Tùng đóng quân ở Tốt Lâm. Vua Mạc Mậu Hợp kinh hoàng, vội điều hết binh mã được khoảng 10 vạn, đích thân làm tướng tiến đến xã Phấn Thượng, kháng cự với vương sư. Trịnh Tùng sai Hoàng Đình Ái ra đánh, giết được tướng Mạc là quận Khuông và quận Tân. Quan quân thừa thế đánh mạnh; Trịnh Tùng cũng đích thân ra đốc chiến, quân Lê đuổi quân Mạc đến Giang Cao, chém hơn 1 vạn thủ cấp.[23][24]

Trịnh Tùng đóng trại ở Hoàng Xá, sai quân vượt sông Cù,[Ghi chú 10] phá được nhiều thành lũy. Nhân đà thắng lớn, ông sai quân tiến đến phía nam thành Đông Kinh, phóng hỏa đốt nhà cửa. Người trong kinh thành chạy trốn lưu li, ngoài đường vang tiếng khóc; nhiều người tranh nhau vượt sông mà chạy, chết đuổi rất nhiều. Bấy giờ đã đến tết Nguyên đán; Trịnh Tùng cho quân nghỉ ngơi ăn tết, hẹn ngày thu phục kinh thành. Sau khi ăn tết, Trịnh Tùng lập đàn, tế cáo trời đất và tiên đế nhà Lê, đặt ra ba điều nghiêm cấm tướng sĩ; rồi tiến quân vào Đông Kinh. Quân đi đến đâu, nhân dân tranh nhau đem rượu và trâu bò đến đón. Khi quân Lê tiến đến chùa Thiên Xuân[Ghi chú 11], Mạc Mậu Hợp đã bỏ chạy qua sông Nhị, đóng ở xã Thổ Khói. Quan quân qua sông Tô Lịch, đến cống Mọc, đóng quân ở Xạ Đôi. Trịnh Tùng sai Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu Liêu quản lĩnh quân và voi, hẹn ngày phá thành; còn bản thân đốc quân tiến đến phường Hồng Mai. Mạc Mậu Hợp ở bờ bắc sông Nhị ra sức củng cố lực lượng, nội ứng ngoại hiệp với quân trong thành. Nguyễn Quyện đặt mai phục ở ô cầu Giền.[Ghi chú 12] Hai quân giao chiến từ giờ Tị đến giờ Mùi; Trịnh Tùng đích thân đốc suất tướng sĩ. Quân Lê xuyên qua luỹ, trèo lên thành, đua nhau xông lên trước, đánh phá được ba lần cửa lũy ở ngoài thành. Quân Mạc tan vỡ, Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên và Mạc Ngọc Liễn bỏ chạy; quan quân lùi voi phá cầu; đánh bại phục binh của Nguyễn Quyện; bắt sống được Quyện. Trịnh Tùng thân hành cởi trói cho Quyện, đối đãi bằng lễ tiếp khách và yên ủi cho đến điều. Quyện hổ thẹn, vội phục xuống đất. Thây giặc chồng chất lên nhau, tổng cộng hơn 1000 người bị giết; Mạc Mậu Hợp thu thập tàn quân cố thủ dọc sông.[25][26]

Trịnh Tùng tuy đánh thắng liên tục nhưng do lực lượng chưa đủ nên đành lui về Thanh Hóa; lại hỏi kế của Nguyễn Quyện. Nguyễn Quyện tìm cách hoãn binh để giúp họ Mạc, nên khuyên sang phẳng lũy đất thành khiến cho nhà Mạc dù có quay về cũng không còn gì để làm căn cứ được nữa, ông nghe theo. Mùa thu năm đó, tướng Bùi Văn Khuê vì bị Mạc Mậu Hợp mưu giết nên đem quân thủy dưới trướng theo về với vương sư. Trịnh Tùng nhận hàng, sai Hoàng Đình Ái làm tiên phong, đến làng Bái và làng Đình thì Văn Khuê đem quân bản bộ ra đón tiếp. Đình Ái sai Văn Khuê tiến quân đóng giữ bến đò Đàm Giang. Quân Mạc bèn lui giữ sông Thiên Phái. Tùng quản đốc đại quân kéo ra Trường Yên, tiếp đãi Bùi Văn Khuê phong tước quận công và sai cầm quân đánh họ Mạc. Quân Lê-Trịnh đến núi Kẽm Trống[Ghi chú 13] đóng trại, Tùng sai Văn Khuê lén dời binh thuyền ra cửa sông, rồi trên và dưới cùng đánh kẹp lại: quân Mạc tan vỡ, tướng Trần Bách Niên đầu hàng.[27]

Tháng 11 ÂL, mùa đông, Trịnh Tùng tiến đóng Bình Lục, rồi kéo đến bãi Tinh Thần thuộc Thanh Oai, đóng dinh trại; sau đó tiến ra cửa sông Hát; đánh bại tướng Mạc Ngọc Liễn, Ngọc Liễn phải chạy qua Tam Đảo. Quan quân đuổi đến chân thành Đông Kinh, Mạc Mậu Hợp hốt hoảng chạy sang Kim Thành (Hải Dương). Trịnh Tùng phủ dụ quân dân, cấm quân sĩ xâm phạm dân chúng; các huyện Thuận An, Tam Đái, Thượng Hồng đều hàng phục cả. Lại sai quân đánh sang Kim Thành; Mạc Mậu Hợp bỏ trốn; quân Lê bắt được thái hậu mẹ của vua Mạc đem về và thu được nhiều của cải, châu báu. Mạc Mậu Hợp bèn lập con là Mạc Toàn làm vua, bản thân tự làm tướng, quản đốc binh mã chống giữ.[28]

Trịnh Tùng lại phá được Mạc Kính Chỉ ở Thanh Hà, các quan nhà Mạc lũ lượt ra hàng. Tùng tiến đóng quân doanh tại xã Tranh Giang huộc Vĩnh Lại;[Ghi chú 14] sai Phạm Văn Khoái thu phục các huyện Kinh Bắc. Mạc Mậu Hợp bỏ trốn vào chùa rồi bị bắt sống, đem bêu ba ngày rồi chém đầu ở Bồ Đề; đóng đinh vào hai mắt, bêu ở chợ. [28][29] Trịnh Tùng dời bản doanh về phía nam kinh đô. Không lâu sau, mùa xuân năm 1593, Mạc Kính Chỉ là con của Mạc Kính Điển tập hợp được 6, 7 vạn quân; lên ngôi ở xã Nam Giản, huyện Chí Linh; Mạc Toàn và nhiều bề tôi dẫn nhau đến quy phục. Trịnh Tùng được tin, sai Nguyễn Thất Lý, Bùi Văn Khuê và Ngô Đình Nga tiến đánh; bị bại trận; các huyện ở Hải Dương và Kinh Bắc lại quy phục họ Mạc.[30][31]

Trịnh Tùng sợ để lâu sinh biến, liền sai Hoàng Đình Ái dẫn lực lượng lớn đi tiễu phạt tiến đến Cẩm Giàng. Kính Chỉ dốc hết quân ra giữ Thanh Lâm, lấy một dãy Hàm Giang làm chỗ phân chia Nam, Bắc. Hai bên luôn luôn huy động quân đội để chống giữ; lâu ngày không phân thắng bại. Tùng bèn đích thân dẫn quân qua sông Nhị, đêm ngày đi gấp đường, đến Cẩm Giàng, cử Hoàng Đình Ái thống lãnh tướng sĩ các dinh, tiến đến Thanh Lâm để đánh vào phía hạ lưu; Trịnh Tùng thân đốc đại binh để đánh phía thượng lưu; Nguyễn Hữu Liêu thống suất quân thủy để bao vây và đón chặn đường đi cửa của quân Mạc. Quân Mạc tan vỡ, bọn Kính Chỉ cùng Kính Thành, Lý Hựu, Kính Phu, Kính Thận, Kính Giản, Kính Tuân (đều là con của Mạc Kính Điển, có cả Mạc Toàn... hơn 60 người đến chém đầu ở bến Thảo Tân. Nhà Mạc kể từ Thái Tổ Mạc Đăng Dung lên ngôi năm 1527 đến đây thì tan rã sau 67 năm.[32][31]

Đối phó dư đảng họ Mạc

Trịnh Tùng cho sửa sang cung điện trong kinh thành, một tháng thì hoàn thành; bèn sai người đến Tây Đô đón xa giá về kinh. Mùa hạ năm đó, Lê Thế Tông đến kinh đô. Ngày 16 tháng 5, ngự ở tòa chính điện, nhận lễ mừng của bách quan, đại xá thiên hạ, gia phong cho những ai có công.[21][33] Nhà Lê kể từ khi mất ngôi năm 1527 đến đây mới được trở về chốn xưa nhưng vị thế đã không còn được như trước nữa.

Mùa hạ năm 1593, Nguyễn Hoàng vào chầu vua Lê, dâng nộp sổ sách hai xứ Thuận, Quảng; được phong làm Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc chương phủ sử thái uý Đoan quốc công, lĩnh quân dẹp giặc cướp ở Sơn Nam, Hải Dương. Cũng năm đó, tướng Mạc Ngọc Liễn lập con của Mạc Kính Điển là Đôn Hậu vương Mạc Kính Cung lên làm vua, cải nguyên Càn Thống. Dư đảng họ Mạc lục tục kéo về hưởng ứng, thế lực nhà Mạc lại mạnh lên, kiểm soát bờ bắc sông Nhị. Ngày 24 tháng 4, Trịnh Tùng đích thân dẫn quân chia quân đánh dẹp, đảng họ Mạc tan chạy. Hải Dương, Sơn Nam cũng dẹp yên dần. Trịnh Tùng sai các tướng đem quân chia giữ các phủ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Khoái Châu, Thuận An, Từ Sơn. Lại ra lệnh cho dân xiêu tán ở các huyện trở về nguyên quán yên nghiệp.[34]

Năm 1594, Mạc Ngọc Liễn đưa Mạc Kính Cung chạy ra huyện An Bắc; Trịnh Tùng sai Hoàng Đình Ái tới đánh; Ngọc Liễn chạy sang Tư Minh xin xưng thần với nhà Minh.[32] Hoàng Đình Ái đánh dẹp các vùng phía bắc sông Nhị, giết được nhiều tông thất nhà Mạc. Trong khi đó vào tháng 6, người xã Vũ Lăng, huyện Tiên Minh là Vũ Đăng dấy binh chiếm giữ huyện Siêu Loại, tụ tập bè đảng, tự xưng là La Bình hoàng đế; nhưng nhanh chóng bị bắt giết. Lúc đó Mạc Ngọc Liễn bệnh chết, có thư khuyên Mạc Kính Cung đừng nên mời người Tàu sang hại dân hại nước. Làm theo lời Mạc Ngọc Liễn, khi thấy triều Lê mạnh, Kính Cung giấu binh ở các vùng, hết sức tránh đụng độ. Ông sai Phúc vương mang gia quyến chạy trước sang Long châu tránh rồi bản thân thoát sang sau. Năm 1596, Phan Ngạn đánh dẹp được Mạc Kính Chương, con cháu nhà Mạc lại tâu với vua Minh rằng chính quyền trong nước không phải con cháu họ Lê, vua Minh sai người sang điều tra và gây sức ép buộc nhà Lê phải trả Cao Bằng cho họ Mạc.[35] Mùa xuân năm 1597, Thế Tông phải cùng các tướng đến ải Nam Quan theo đòi hỏi của vua Minh. Tuy vậy chiến tranh giữa hai bên vẫn thường xuyên xảy ra. Quân Lê-Trịnh nhiều lần tiến đánh phía bắc, bắt được Mạc Kính Dụng đem giết đi, tuy nhiên thế lực họ Mạc vẫn còn rất mạnh.[36]

Ngày 7 tháng 4 năm 1599, vua Lê Thế Tông hạ chiếu phong Trịnh Tùng làm Đô nguyên suý tổng quốc chính thượng phụ Bình An vương, là chức quan cao nhất trong triều, chỉ đứng sau vua. Ông lại cho xây phủ chúa ở ngay bên cạnh triều đình vua Lê; và từ đó phủ chúa trở thành nơi bàn định công việc của đất nước; triều đình chỉ còn là hư danh, vua Lê chỉ có 5000 lính túc vệ; thu thuế 1000 xã để chi dụng.[37] Còn những việc đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân, đều thuộc về quyền họ Trịnh cả. Chỉ có khi nào thiết triều hay là tiếp sứ thì mới cần đến vua mà thôi. Uy quyền họ Trịnh bấy giờ rất lớn nhưng vẫn không dám cướp ngôi vua, là vì ở phía Bắc sợ có nhà Minh sinh sự, lại có họ Mạc còn giữ đất Cao Bằng, nếu tiếm ngôi thì e quân nghịch nổi lên lấy phù Lê thảo Trịnh làm cớ[38].Từ đó sự nghiệp của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài chính thức bắt đầu.

Ngày 12 tháng 10 cùng năm, Lê Thế Tông qua đời, Trịnh Tùng bàn với các quan rằng thái tử không thông minh mẫn tiệp, bèn lập con thứ là Duy Tân. Ngày 15 tháng 10, Duy Tân lên nối ngôi, tức là Lê Kính Tông.[39][40]

Nguyễn Hoàng ở kinh đô 8 năm, lập được nhiều đại công khiến Trịnh Tùng nghi kị, không muốn cho về trấn. Do đó, mùa hạ năm 1600, Nguyễn Hoàng xúi giục bọn Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê nổi lên chống lại nhà Lê, theo về họ Mạc. Nguyễn Hoàng xin được cầm quân đánh dẹp rồi bí mật đốt hết doanh trại, trốn về Thuận Hoá. Lòng người trong kinh kì dao động, Trịnh Tùng phò Kính Tông chạy về Thanh Hóa.[41][42]

Tháng 8 ÂL, Trịnh Tùng được tin họ Mạc lại hưng khởi, liền tìm cách đối phó. Ông sai Lê Nghĩa Trạch gửi thư an ủi Nguyễn Hoàng, rồi đem thủy bộ cùng xuất phát từ An Trường[Ghi chú 15]. Nguyễn Khải dẫn quân bộ đi đầu, phá được giặc ở cửa sông Giáng, còn quân thủy đi theo sông Ninh Giang ra cửa sông Hát, thuận dòng nước mà xuôi xuống, xông thẳng vào Đông Kinh. Quân nhà Mạc tan vở bỏ chạy, Bùi thị bị giết, Mạc Kính Cung bỏ chạy, Ngô Đình Nga bị bắt xử tử.[43][44] Bấy giờ Phù quốc hầu nhà Mạc là Nguyễn Dụng cũng nổi dậy, năm 1601 Trịnh Tùng đích thân hành đem đại quân đánh dẹp. Quân tiến đến Lãnh Giang[Ghi chú 16], Dụng chống cự, tiền quân của chúa bị thiệt hại. Tùng bèn khuyến khích tướng sĩ, quân lính đều hết sức liều chết tiến đánh, phá tan được quân giặc, chém được Dụng và Nga quận công ở mặt trận, thu được nhiều chiến lợi phẩm. Lại sai Hoàng Đình Ái đánh Hải Dương, Mạc Kính Cung phải chạy lên Lạng Sơn, vùng Hải Dương được bình định.[44]

Mạc Kính Cung sau mấy lần thua trận, phải chạy lên Lạng Sơn. Sau khi tập hợp lại lực lượng, Kính Cung lại quấy phá Thái Nguyên. Năm 1609, chúa sai em là Trịnh Đỗ cùng Nguyễn Danh Thế đem quân tới kinh lý, Kính Cung thua chạy. Về sau, cháu Kính Cung là Kính Khoan lại tự xưng vương, đặt niên hiệu, quản lý vùng Vũ Nhai, Đại Từ[Ghi chú 17]. Mùa xuân năm 1618, Trịnh Tùng sai con là Trịnh Tráng, Trịnh Xuân, cùng bọn Nguyễn Cảnh Kiên, Nguyễn Văn Giai, Tạ Thế Thúc, Nguyễn Khải... tiến đánh, quân Mạc thua trận. Sau đó ông lại sang Trịnh Lâm và Trịnh Bảng đánh Vũ Nhai và cũng thắng lớn.[45]

Hai vụ binh biến và qua đời

Mùa hạ năm 1619, Lê Kính Tông vì thấy Trịnh Tùng chuyên quyền quá lắm, nên không chịu được. Biết con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân tranh ngôi với Trịnh Tráng, nên nhà vua bàn mưu với Xuân giết chúa, rồi quyền bính sau này sẽ trao cho Xuân.[46] Xuân nghe tin chúa sẽ ra bến Đông Hà xem đua thuyền, bèn sai thuộc hạ là Văn Đốc đặt địa lôi và phục súng ở cạnh ngã ba đường. Quả nhiên chúa có đến lầu ở bờ sông. Khi về, thường chúa cưỡi voi. Hôm ấy, chúa thấy trong lòng không yên, cho voi ngựa và nghi vệ đi trước, còn tự mình ngồi kiệu đi sau. Đến chỗ ngã ba, có tiếng súng nổ, bắn gãy cây lọng tía. Vội sai truy bắt, thì bắt được Văn Đốc cùng đồ đảng, đem về phủ tra hỏi, y khai ra nhà vua cùng Vạn quận công (Xuân). Trịnh Tùng sai Trấn quận công Trịnh Lâm và Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm vào điện xét hỏi tả hữu, thì biết hết sự việc.[28]

Ngày 23 tháng 6, Trịnh Tùng ngự ra phủ đường, tập hợp bách quan; thân bưng mâm vàng trầu cau bước ra, cùng triều thần luận tội. Nguyễn Danh Thế, Lê Bật Tứ, Nguyễn Duy Thì đều đề nghị xử tử Trịnh Xuân. Trịnh Tùng nghe lời, lệnh bắt Trịnh Xuân, bãi hết quan tước, binh quyền, giam vào nội phủ; lại cho giết bọn Văn Đốc. Sau đó ông ép Lê Kính Tông phải thắt cổ tự vẫn,[47] sau đó vẫn cho táng theo lễ thiên tử; nhưng không đưa vào thờ ở thái miếu mà lập một điện riêng để thờ cúng, dâng thuỵ là "Giản Huy Đế" táng ở lăng Bố Vệ[48] (đến năm 1631 mới dâng miếu hiệu là Kính Tông.[49]) Đến năm 1620 thì Trịnh Xuân được thả ra, nắm lại binh quyền.

Bấy giờ hoàng hậu là con gái của chúa, trong tôn tộc còn có cháu đích của Anh Tông, con Bản quốc công Lê Bách là Cường quận công Lê Duy Trụ lấy con gái của thế tử Tráng, cũng có ý muốn lên ngôi. Trịnh Tùng nghe lời con gái, bèn lập con Lê Kính Tông là hoàng tử Lê Duy Kì năm đó 13 tuổi nối ngôi, là Lê Thần Tông.

Năm 1620, em trai trấn thủ Thuận Hóa Nguyễn Phúc Nguyên (con Nguyễn Hoàng) là chưởng cơ Hiệp và Trạch bí mật xin chúa Trịnh giúp mình tranh ngôi. Chúa sai Nguyễn Khải đem quân đi đón họ. Nhưng âm mưu bị lộ, Hiệp và Trạch bị giết, Nguyễn Khải phải lui quân. Từ đó chúa Nguyễn không chịu nộp thuế, hai họ Trịnh - Nguyễn lăm le thôn tính lẫn nhau[50].

Tháng 6 ÂL năm 1623, Trịnh Tùng bị bệnh kiết lị rất nặng, bèn cùng các quan văn võ mưu tính chọn thế tử. Ngày 17, triều thần đều tâu cho vương thế tử là Thanh quận công Trịnh Tráng nắm giữ binh quyền. Lại lấy con thứ là Vạn quận công Trịnh Xuân phó giữ binh quyền. Ngày 14 tháng 7, cho con trưởng Thanh quận công Tráng giữ binh quyền, Vạn quận công Xuân làm phó. Trịnh Xuân không chịu và tiến hành nổi loạn.[47]

Ngày 15 tháng 7, Xuân cùng quận Biện đem quân vào phủ. Quân túc vệ kinh hãi chạy tan. Trịnh Tùng thấy quân vào, thì trỗi dậy, dùng kim thương mà đâm bừa. Quân lính không dám đến gần, lại vào kho vải, lấy vải vứt đầy trước mặt Trịnh Tùng, rồi đặt ông lên võng đưa ra ngoài cửa phủ. Trịnh Tùng trông thấy Xuân giận quát mắng. Trịnh Xuân kinh sợ, rút quân ra ngoài thành, cướp lấy voi, ngựa, của báu, rồi nhân đó vung lửa đốt. Đô thành đại loạn. Bấy giờ hầu hạ và bảo vệ ở bên cạnh chỉ có quận Nhạc Bùi Sĩ Lâm, Văn Thuỵ hầu Phùng Văn Minh, cùng Đường Thọ hầu. Trịnh Tùng bảo bọn Sĩ Lâm đưa mình ra khỏi kinh sư đóng ở xứ Quán Bạc phường Hồng Mai. Trịnh Tráng nghe có loạn, không biết tin tức về cha mình, bèn sai em là Trịnh Giai rước nhà vua về Ninh Giang, còn mình tự lưu lại ở Nhân Mục, hội họp các quan văn võ cùng bọn Nguyễn Văn Giai bàn bạc việc quân. Lúc này Trịnh Tùng sai Sĩ Lâm đưa mình về dinh của người em là Trịnh Đỗ[Ghi chú 18]. Đỗ sai cơm nước hầu hạ và cho con là quận Thạc đến rước thế tử; nhưng thế tử nghi ngờ quận Thạc có ý khác nên không đi.[51]

Đỗ sai quận Thạc đến chỗ Xuân nói dối là muốn trao binh quyền. Xuân hí hửng cùng mấy chục người vào yết kiến, miệng ngậm cỏ phủ phục ở sân. Đỗ sai dũng sĩ bắt lấy. Trịnh Tùng gượng bệnh ngồi dậy, kể tội nhưng chưa giết và sai giam cùm lại để đợi giao cho luận tội. Trịnh Đỗ sai Sĩ Lâm chặt chân của Xuân cho đến chết.[48] Trịnh Tùng thấy Xuân chết, trong lòng xúc động. Ngày 16 tháng 7, buổi sớm, ông được Sĩ Lâm hộ tống đón thế tử; đến chùa Thanh Xuân, huyện Thanh Oai thì mất, thọ 74 tuổi. Trịnh Tráng nối ngôi, tức là Văn Tổ Nghị vương.[51]

Tranh vẽ đám tang chúa Trịnh Tùng bởi thương nhân Phương Tây.

Nhận định

Năm 1597, vua Lê Thế Tông sách phong Trịnh Tùng làm Đô nguyên súy tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương. Lời sách văn có đoạn:[39]

"...Suy trung dực vận kiệt tiết tuyên lực công thần đô tướng tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Tả tướng Thái úy Trường quốc công Trịnh Tùng, uy vọng lớn như núi cao, bóng cả, đấng võ văn của nhà nước triều đình. Bày mưu đặt kế yên xã tắc, công cao sáng tỏ giữa trời; giữ tín giảng hòa nước láng giềng, sách giỏi giữ êm ngàn cõi. Công đã ngất cao trong vũ trụ, vị phải đứng đầu khắp thần liêu. Đặc sai Thái tể Vĩnh quốc công Hoàng Đình Ái đem sách vàng tấn phong làm Đô nguyên súy tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương. Lại ban ngọc tản làm vật báu lưu truyền; lại cấp ruộng nương để rộng thêm phong ấp. Mong hãy thận trọng chức vị, luôn luôn giữ phép triều đình; sửa sang đức nhân, đời đời hưởng ơn vua quý. Vương hãy kính theo."

Năm 1624, vua Lê Thần Tông truy phong ông ngoại là Trịnh Tùng làm Triết vương. Lời kim sách viết:[52]

"Vương là bậc khôi phục cơ đồ, mở mang nghiệp trước. Triều đình đặt ra lễ hậu, nêu bật công to. Chọn được ngày tháng tốt lành, khắc chữ vàng rực rỡ. Nhớ Nguyên soái tổng đốc quốc chính thượng phụ Bình An Vương xưa thông minh dĩnh đạt, trí dũng anh hào, lấy lòng nhân nghĩa, cứu vớt sinh linh, giữ yên xã tắc, xoay lại đất trời, giúp vầng nhật nguyệt, công đức cao dày. Yên con nối để lại mưu kế sâu xa, đáp công to ban phong danh hiệu tốt đẹp. Đặc sai quan đem sách vàng truy phong làm Cung Hoà Khoan Chính Triết Vương. Mong rằng: yên vui phu thoả, giúp rập phù trì, để con cháu được hưởng phúc thừa, dòng dõi ức năm dài mãi mãi. Hãy kính theo đấy".

Sử gia Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí (phần Nhân vật chí) đã đánh giá:[53]

"Ông tính khoan hậu, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ, đoán tình thế của giặc không sai, dùng binh như thần. Trong 20 năm kinh dinh đất nước, cuối cùng dẹp được kẻ tiếm nghịch, khôi phục nhà Lê, công trùm thiên hạ, oai lừng khắp nơi, mới được sắc phong vẻ vang, lễ đãi long trọng. Ông thực sự làm chúa cầm quyền bính, công lao sự nghiệp danh vọng lừng lẫy."

Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục thường phê phán Trịnh Tùng là một gian thần ức hiếp vua, và nhận xét về việc lập Lê Thế Tông năm 1573 của Trịnh Tùng:

là vì Trịnh Tùng chỉ cốt lợi rằng vua còn thơ ấu đó thôi. Trịnh Kiểm tuy chuyên quyền nhưng tội ác chưa có gì tỏ rõ cho lắm; đến Trịnh Tùng mới thật là gian thần như đồ Vương Mãng và Tào Tháo[54][Ghi chú 19]

Về công trung hưng nhà Lê của chúa Trịnh

Dựa vào công lao trước của cha. Trịnh Tùng có công rất to, mà mang tội cũng nặng lắm. Không làm như vậy thì không đủ để diệt nhà Mạc mà phù Lê được. Mạc tuy bị diệt rồi, nhưng Trịnh lại lù lù ở đó thì cũng lại là một Mạc (thứ hai) nữa thôi!

Cương mục còn bình luận về việc Trịnh Tùng bị con là Trịnh Xuân mưu phản:[48]

"Người bầy tôi ngỗ ngược, tất nhiên có người con ngỗ ngược; đạo trời hay trả miếng, bao giờ cũng thế"

Gia đình

  • Vợ:
    • Chính phi Lại Thị Ngọc Nhu, tên thụy là Từ Huệ, người làng Quang Lãng (huyện Tống Sơn). Con gái tước Cẩn lễ công Lại Thế Khanh. Mất ngày 19 tháng 9. Lăng ở làng Hải Lịch (huyện Lôi Dương). Sinh ra Trịnh Túc là con trưởng của Trịnh Tùng.
    • Thứ phi Đặng Thị Ngọc Bảo, thụy là Từ Huy, người làng Lương Xá (huyện Chương Đức), con gái tước Nghĩa quốc công, gia phong Hậu trạch công. Mất ngày 7 tháng giêng, lăng ở làng Phúc Địa (huyện Thụy Nguyên). Sống đến đời cháu, tôn phong làm Thái tôn Thái phi. Sinh ra Trịnh Tráng.
  • Con:
    • Văn Tổ Nghị vương Trịnh Tráng.
    • Hiệp mưu Đồng đức công thần Hữu tướng Tín lễ công Trịnh Túc. Ông là con trưởng Trịnh Tùng; hay rượu, sức mạnh, thích quần voi, ngựa, thường cưỡi voi lội qua sông, bị voi húc chết. Mất năm 28 tuổi. Sinh được hai con trai: Con trưởng là Nhuệ quận công, vinh phong là Dực vận Tân trị công thần; con thứ là Tước Quế quận công.
    • Hiệp mưu Đồng đức Dực vận Tân trị Công thần tước Mỹ dự công Trịnh Lâm.
    • Hiệp mưu Đồng đức Dực vận Tân trị Công thần tước Tụng nhạc công Trịnh Vân.
    • Hiệp mưu Đồng đức Dực vận Tân trị Công thần tước Thuần nghĩa công Trịnh Dương.
    • Hiệp mưu Đồng đức Dực vận Tân trị Công thần tước Dũng lễ công Trịnh Giai.
    • Hiệp mưu Đồng đức Dực vận Tân trị Công thần quan Triều tể, tước Ý công Trịnh Lệ.
    • Thái phó Quảng quận công Trịnh Hàng.
    • Thái bảo Lập quận công Trịnh Tuân.
    • Dực vận Tân trị Công thần, quan Tả đô đốc, tước Tựu quận công Trịnh Trân.
    • Thiếu bảo Hựu quận công Trịnh Điện; ông dựng ra nghề làm bia; nay nghề ấy lấy ông này làm tiên sư.
    • Thái bảo Lộc quận công Trịnh Hà.
    • Thái bảo Việt quận công Trịnh Trinh.
    • Thiếu úy Duyên quận công Trịnh Ngà.
    • Thái phó Xuyên quận công Trịnh Quảng.
    • Dực vận tân trị Công thần, quan Tả tư mã Quốc lão tước Kiện quân công Trịnh Quân.
    • Thái phó Hào quận công Trịnh Quang.
    • Tả tư không Nông quận công Trịnh Nhương.
    • Vạn quận công Trịnh Xuân; phạm tội ác nghịch, bị chặt chân, rồi chết.

Tham khảo

Ghi chú

  1. ^ Tên huyện, nay thuộc tỉnh Ninh Bình
  2. ^ Xã Thụy Khuê, huyện An Sơn, Sơn Tây
  3. ^ Xã Hoàng Xá, huyện An Sơn, Sơn Tây
  4. ^ Xã Do Lễ, huyện Chương Đức
  5. ^ Trang Chính Đại, huyện Tống Sơn tỉnh Thanh Hóa
  6. ^ Chỗ chia cắt hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa
  7. ^ Nay là cửa biển Y Bích, thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hoa.
  8. ^ Huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
  9. ^ Nay là huyện Tùng Thiện
  10. ^ Khúc sông Hát chảy qua xã Cù Sơn
  11. ^ Xã Thanh Xuân, huyện Thanh Oai, Hà Nội
  12. ^ Ở chỗ cuối phố Huế; đầu phố Bạch Mai, giáp đường Đại Cồ Việt, Hà Nội, ngày nay
  13. ^ Xã Nham Kênh, huyện Thanh Liêm
  14. ^ Nay là huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương
  15. ^ Huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, Thanh Hoa
  16. ^ Thuộc địa phận xã Lãnh Trì, huyện Nam Xang, Hà Nội
  17. ^ Nay thuộc tỉnh Thái Nguyên
  18. ^ Dinh ấy nay thuộc làng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì
  19. ^ Vương Mãng, tên tự là Cự Quân, người Đông Bình Lăng đời Hán, làm quan với Hán đến chức đại tư mã, sau giết Hán Bình đế, lập Nhụ Tử Anh, rồi cướp ngôi, tự lập làm vua, đổi quốc hiệu là Tân, được 15 năm thì bị diệt vong. Tào Tháo, tên tự là Mạnh Đức, người đời Đông Hán, sau khi đón lập Hán Hiến Đế, Tào Tháo tự làm thừa tướng, tước Ngụy công áp bức vua Hán, nắm hết quyền bính trong tay

Chú thích

  1. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 611.
  2. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 292.
  3. ^ a ă Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 651.
  4. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 612.
  5. ^ a ă Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 652.
  6. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 613.
  7. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 615.
  8. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 653.
  9. ^ a ă Nhiều tác giả 1993, tr. 618.
  10. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 657.
  11. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 620.
  12. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 660.
  13. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 661-665.
  14. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 625.
  15. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 665.
  16. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 627.
  17. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 667.
  18. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 628.
  19. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 668.
  20. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 628-629.
  21. ^ a ă Nhiều tác giả 1993, tr. 630.
  22. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 670.
  23. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 632.
  24. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 672.
  25. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 633.
  26. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 673.
  27. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 634.
  28. ^ a ă â Nhiều tác giả 1993, tr. 636.
  29. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 675-76.
  30. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 637.
  31. ^ a ă Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 677.
  32. ^ a ă Nhiều tác giả 1993, tr. 638.
  33. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 678.
  34. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 678-679.
  35. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 646.
  36. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 648.
  37. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 653-54.
  38. ^ Việt Nam sử lược, quyển II, Tự chủ thời đại, chương III
  39. ^ a ă Nhiều tác giả 1993, tr. 654.
  40. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 680.
  41. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 656.
  42. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 681.
  43. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 657.
  44. ^ a ă Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 682.
  45. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 683.
  46. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 687.
  47. ^ a ă Nhiều tác giả 1993, tr. 664.
  48. ^ a ă â Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 688.
  49. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 670.
  50. ^ Toàn thư, bản kỉ thực lực 21.
  51. ^ a ă Nhiều tác giả 1993, tr. 665.
  52. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 666.
  53. ^ Phan Huy Chú 2007, tr. 250-251..
  54. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 658.

Tham khảo

  • Nhiều tác giả (1993), Đại Việt sử ký toàn thư , Hà Nội: Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội 
  • Phan Huy Chú; Viện Sử học - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2007). Lịch triều hiến chương loại chí 1. Nhà xuất bản Giáo dục. 
  • Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (PDF), Hà Nội 
  • Đại Việt Thông sử
  • Đại Việt Sử Ký Tục Biên,Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin.
  • Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
  • Đào Duy Anh (2002), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin
  • Nguyễn Huy Thức, Lê Văn Bảy (2006), Lê triều dã sử, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin

(Nguồn: Wikipedia)