Ý Tĩnh Khang hoàng hậu
懿靜康皇后
Hoàng thái hậu Việt Nam
Khong hinh tu do.svg
Hoàng thái hậu nhà Nguyễn
Tại vị 1806 - 1811
Tiền nhiệm Không có
Hoàng thái hậu đầu tiên tại vị của nhà Nguyễn
Kế nhiệm Nhân Tuyên Hoàng thái hậu
Thông tin chung
Phu quân Nguyễn Phúc Luân
Hậu duệ
Tên đầy đủ Nguyễn Thị Hoàn (阮氏環)
Tước hiệu Phu nhân
Vương Thái hậu
Hoàng Thái hậu
Thụy hiệu Ý Tĩnh Huệ Cung An Trinh Từ Hiến Hiếu Khang hoàng hậu
懿靜惠恭安貞慈獻孝康皇后
Hoàng tộc nhà Nguyễn
Thân phụ Nguyễn Phúc Trung
Thân mẫu Phùng phu nhân
Sinh 1736
làng Minh Linh, phủ Thừa Thiên
Mất 30 tháng 10 năm 1811
Phú Xuân, Đại Nam
An táng Mùa hạ, tháng 4, 1812Thụy Thánh lăng (瑞聖陵)

Ý Tĩnh Khang hoàng hậu (chữ Hán: 懿靜康皇后, 1736 - 30 tháng 10 năm 1811), hay Hiếu Khang hoàng hậu (孝康皇后), là chính thất phu nhân của Nguyễn Phúc Luân, mẹ đẻ của vua Gia Long. Sau khi lên ngôi, Gia Long tôn bà làm Hoàng thái hậu, trở thành Hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Nguyễn.

Thái hậu có vai trò quan trọng trong việc động viên Gia Long, gây dựng cơ nghiệp họ Nguyễn thống nhất đất Nam.

Tiểu sử

Bà tên thật là Nguyễn Thị Hoàn (阮氏環), người ở làng Minh Linh, phủ Thừa Thiên, con gái Diễn quốc công Nguyễn Phúc Trung (阮福忠) 1 , mẹ là Phùng phu nhân người ở làng An Du. Chị gái ruột của bà chính là bà Từ Phi của Nguyễn Phúc Luân. 2 .

Bà vào hầu Nguyễn Phúc Luân ở nhà để3 , học các phép tắc trong chốn khuê môn. Sau đó, bà sinh ra ba con trai và một con gái: con trưởng tức Đông Hải quận vương Nguyễn Phúc Đồng (阮福晍), con thứ 2 chính là Nguyễn Ánh, con thứ 3 là Thông Hóa quận vương Nguyễn Phúc Điển (阮福晪). Người con gái là Nguyễn Phúc Ngọc Tú (阮氏玉琇), sinh vào năm 1760, lớn hơn Nguyễn Ánh khoảng 2 tuổi, có lẽ bà là em của Nguyễn Phúc Đồng.

Cuối năm 1774, quân Trịnh vượt sông Gianh đánh chiếm Phú Xuân, bà đến làng An Du ẩn nấp cùng các con gái. Mùa xuân năm Kỷ Hợi (1779), Nguyễn Ánh sai người rước bà đến Gia Định, gặp lúc quân Tây Sơn vào đánh cướp, Nguyễn Ánh phải lẩn đi chỗ khác; bà cùng các con dâu lại đóng ở đảo Phú Quốc. Gia Long sau đó cũng đến đảo Phú Quốc hầu mẹ mình.

Mùa xuân, Giáp Thìn (1784), Nguyễn Ánh sang Xiêm La cầu viện, bà lại cùng gia quyến của ông đóng ở đảo Thổ Châu; quân cầu viện thất bại, bà lại cùng gia quyến trở lại đảo Phú Quốc.

Mùa thu, Mậu Thân (1788), quân Nguyễn lấy lại được Gia Định, liền sai Nguyễn Văn Nhân đón bà về Gia Định; năm Canh Tuất (1790) dựng điện rước bà đến ở.

Năm Bính Thìn (1796), mùa đông, tháng 10, Nguyễn Ánh dâng sách vàng tấn tôn bà làm Quốc mẫu Vương thái phi (國母王太妃). Khi hoàng đế lấy lại được đô thành (1801), ông ra ơn cho làng An Du đã cưu mang mẹ ông, mọi dịch thân thuế đều miễn cho cả.

Năm 1802, tháng 3, Gia Long tôn bà làm Vương Thái hậu (王太后). Bấy giờ, truy phong cho tổ phụ Nguyễn Phúc Kiên (阮福兼) làm Dương Vũ công thần Khai phủ phụ quốc Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ Thiếu úy, tước Đôn Hậu Quận công (敦厚郡公). Thân phụ Phúc Trung là Tán Nghị công thần Thượng trụ quốc Đô đốc phủ chưởng phủ sự Thái bảo, tước Diễn quốc công (演國公). Lập đền thờ ở xã An Du, cho điệt ôn, cháu gọi Phùng phu nhân là cô, làm chức Cai đội, coi giữ việc thờ tự ở đây.

Năm 1804 Gia Long dựng Cung Diên Thọ và rước bà đến ở. Gia Long thân đến làm lễ chúc mừng, các quan và mệnh phụ đều dâng vàng bạc làm lễ phẩm tiến lên. Các con tiến 20 lạng vàng, 100 lạng bạc; mệnh phụ tiến 10 lạng vàng, 50 lạng bạc.

Năm 1806, mùa thu, tháng 7, Nguyễn Ánh dâng kim sách tôn bà làm Hoàng thái hậu. Mùa thu năm 1807, lúc đó Thái hậu được 70 tuổi, Gia Long tổ chức Khánh tiết lớn trong ngoài kinh thành. Các quan lại, hoàng tử, cung phi, các công thần ở Tống Sơn, họ Lê, họ Trịnh đều đến chúc mừng và dâng lễ vật. Sai nhạc công múa Bát dật, hát các khúc Vạn niên hoan, Thiên hạ lạc, Thái bình lạc.

Năm 1811, mùa thu, tháng 9, ngày 14, Hoàng thái hậu qua đời, thọ 74 tuổi. Gia Long rất đau lòng, khóc không thôi. Ngày sóc ngày vọng tế điện to, đặt bàn chay lớn ở chùa Thiên Mụ.

Năm thứ 11 (1812), mùa xuân, tháng 3, tôn thụy bà là Ý Tĩnh Huệ Cung An Trinh Từ Hiến Hiếu Khang hoàng hậu (懿靜惠恭安貞慈獻孝康皇后). Mùa hạ, tháng 4, táng ở Thụy Thánh lăng (瑞聖陵), ở núi Đinh Môn, huyện Hương Trà. Rồi rước thần chủ để ở Trường Thọ cung.

Nhân cách

Động viên con

Bà theo Gia Long lênh đênh chạy tìm cách xoay trở tình hình thế cuộc, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của ông. Ngay khi ông đi thuyền đến đảo Côn Lôn, gặp gió lớn, trôi dạt ở ngoài biển 7 ngày, trong thuyền hết nước uống thì bỗng có nước nhạt chảy ra, nhờ thế mới đỡ. Khi thuyền đến đảo Phú Quốc, gặp lại mẹ, ông thuật lại tình trạng cay đắng của mình, bà nói: " Gió lớn ở đảo Côn Lôn, giữa biển có nước ngọt, có thể biết là lòng trời ngầm giúp cho con, con chớ nên lấy sự khó nhọc ấy mà tự nản chí". Gia Long nghe thế lạy tạ và động viên ông rất nhiều trong việc giành lại đất nước sau này.

Tình chị em thân thiết

Bà đối với chị mình là Từ phi rất yêu mến, từ khi còn ở Gia Định cho đến khi ở Phú Xuân, bà đều cùng ở chung với chị mình; Khi ở cung Trường Thọ, bà ở phần trước cung, còn Từ phi ở phía sau, muôn phần hòa thuận.

Khi Từ phi mất, Gia Long chưa vội tâu, bà biết được giận không ăn cơm. Khi Gia Longn thăm, bà nói: ...Thân già này có một người chị, lúc ốm không được thấy, vì thế ăn không ngon.... Gia Long bèn cúi quỳ ở trước thềm cung, xin lỗi thành khẩn, bà mới ăn cơm.

Chú thích

  1. ^ Nguyên là họ Nguyễn, sau được ban quốc tính
  2. ^ Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả tr.194
  3. ^ Nơi ở của Thế tử

Tham khảo

  • Đại Nam liệt truyện - Quốc sử quán triều Nguyễn

(Nguồn: Wikipedia)