Nguyễn Sinh Hùng | |
---|---|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong chuyến viếng thăm Ba Lan ngày 15/3/2013. | |
Chức vụ | |
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam | |
Nhiệm kỳ | 23 tháng 7 năm 2011 – 30 tháng 3 năm 2016 4 năm, 251 ngày |
Tiền nhiệm | Nguyễn Phú Trọng |
Kế nhiệm | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Vị trí | Việt Nam |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ | |
Nhiệm kỳ | 28 tháng 6 năm 2006 – 25 tháng 7 năm 2011 5 năm, 27 ngày |
Tiền nhiệm | Nguyễn Tấn Dũng |
Kế nhiệm | Nguyễn Xuân Phúc |
Vị trí | Việt Nam |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam | |
Nhiệm kỳ | tháng 11 năm 1996 – 28 tháng 6 năm 2006 9 năm, 225 ngày |
Tiền nhiệm | Hồ Tế |
Kế nhiệm | Vũ Văn Ninh |
Vị trí | Việt Nam |
Ủy viên Bộ Chính trị | |
Nhiệm kỳ | 25 tháng 4 năm 2006 – 27 tháng 1 năm 2016 9 năm, 277 ngày |
Đại biểu Quốc hội khoá X,XI,XII,XIII | |
Nhiệm kỳ | 20 tháng 9 năm 1997 – 30 tháng 3 năm 2016 18 năm, 192 ngày |
Thông tin chung | |
Đảng phái | Đảng Cộng sản Việt Nam |
Sinh | 18 tháng 1, 1946 Nam Đàn, Nghệ An, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa |
Nơi ở | Số 7B Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội. |
Học vấn | Tiến sĩ Kinh tế |
Tôn giáo | Không |
Nguyễn Sinh Hùng (sinh năm 1946) là cựu chính khách Việt Nam. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, XI, nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.[1]
Tiểu sử và hoạt động
Nguyễn Sinh Hùng sinh ngày 18 tháng 1 năm 1946, thuộc dòng họ Nguyễn Sinh ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An[2] trong gia đình có năm người con. Ông học cấp 1 và 2 ở Nam Đàn, sau đó ra Hà Nội học cấp 3 tại trường Việt Đức (Hà Nội). Gia đình ông một thời sống tại 54 Phố Huế Hà Nội[3]. Ông từng là sinh viên Đại học Tài chính và Kế toán (nay là Học viện Tài chính) (1966-1970).
Ngày 1 tháng 1 năm 1972, ông được tuyển dụng làm cán bộ của Ngân hàng Kiến thiết Trung ương, Bộ Tài chính.[4]
Nguyễn Sinh Hùng gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 26 tháng 5 năm 1977, chính thức vào 26 tháng 5 năm 1978.
Năm 1978 đến 1982, ông đi học nghiên cứu sinh tiến sĩ về Kinh tế tại Bungari, Bí thư Chi bộ khối Kinh tế khóa nghiên cứu sinh người Việt tại Bungari.
Từ tháng 10 năm 1986 đến tháng 1 năm 1990, ông Nguyễn Sinh Hùng là Chánh văn phòng Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính.
Năm 1990, ông giữ chức Cục trưởng Cục Kho Bạc Nhà nước, nay là Kho Bạc Nhà nước Việt Nam.
Tháng 10 năm 1992, ông được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Ban cán sự Ðảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Tháng 6 năm 1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam, được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giữ cương vị này liên tiếp các khoá VIII, IX, X, XI. Đồng thời ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, XIII. Tại Đại hội Đảng lần thứ X, XI ông đều được bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 11 năm 1996, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX, được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bí thư Ban Cán sự Ðảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Ngày 28 tháng 6 năm 2006, ông được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng thường trực, theo đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đảm nhiệm các công việc chung trong hệ thống điều hành công việc của Chính phủ. Được giao trọng trách đảm nhận những công việc khi Thủ tướng đi vắng hoặc được Thủ tướng ủy quyền.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng làm Trưởng ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sau khi vụ Vinashin bị phanh phui làm ăn sai trái nợ 5 tỷ USD không có khả năng thanh toán. Phát biểu với báo giới tháng 10 năm 2010, ông nói: chậm nhất là đầu tháng 11 này, sẽ là một "Vinashin mới".[5]
Ngày 23 tháng 7 năm 2011 ông được quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (2011-2016) với 91,4% phiếu bầu (tỷ lệ 457/497 đại biểu đồng ý). Phát biểu tại lễ nhận chức vụ mới, ông Hùng nói: "Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII sẽ luôn nâng cao trình độ, kiên quyết phòng chống quan liêu, chống tham nhũng, lãng phí, gắn bó và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân".[6]
Ngày 30/03/2016, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội của ông.[7]
Khen thưởng
- Huân chương Lao động hạng Nhất (2002) [cần dẫn nguồn]
- Huân chương Itsara hạng Nhất của Lào (năm 2007) [cần dẫn nguồn]
Các câu nói nổi tiếng
- Quốc hội là cơ quan lập pháp, nếu quyết sai cũng phải nhận khuyết điểm chứ không phải kỷ luật, Chủ tịch Quốc hội cũng không phải người đứng đầu Quốc hội. Vì thế, không thể vì cả 500 đại biểu bỏ phiếu mà kỷ luật cả 500 vị hay kỷ luật ông Chủ tịch. "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai". [1]
- Trong công việc tôi làm thời gian qua còn nhiều khiếm khuyết, trong khi yêu cầu của cuộc sống, của sự phát triển ngày càng cao. Phiếu bầu cho tôi không cao thể hiện rõ điều này. Nếu những việc chưa tốt là non nửa, ứng với số phiếu không được bầu là non nửa thì đó là bình thường.(Khi được bầu làm Phó Thủ tướng với số phiếu chỉ đạt 58% năm 2006)[8]
- Thị trường đã là đáy, anh nào bán thì thiệt, anh nào mua thì thắng. Chính phủ đảm bảo năm nay thị trường phải tăng trưởng.(3/2008, VN-index khoảng 500 điểm)[9]
- Không thể không làm đường sắt cao tốc (Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12-06-2010)[10]
- Hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, "cách chức đi, kỷ luật đi", ngày mai thấy sai chỗ kia, "cách chức đi, kỷ luật đi", lấy ai mà làm việc các đồng chí ? (Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12-06-2010)
- Thử hỏi trong số chúng ta ngồi đây, bản thân tôi nhiều khi cũng tự hỏi mình làm trăm việc, làm mười việc thế nào cũng sai một hai việc cũng nên, có khi sai lớn, có khi sai nhỏ, nhưng mà các đồng chí cứ dẹp đi thì bầu không kịp ? (Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12-06-2010)[11]
- Vấn đề các đại biểu đặt ra là tiền, tiền đâu để làm dự án, tôi không lo lắng lắm về vấn đề này, GDP của nước ta những năm qua cũng ổn và dự kiến đến năm 2050 GDP cũng khả quan.[12]
- Hiện GDP của Việt Nam là 106 tỉ USD, năm 2020 sẽ gần 300 tỉ, năm 2030 sẽ là 700 tỉ và năm 2040 sẽ là 1.000 tỉ. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200, đến năm 2040 sẽ đạt 20.000 USD.(Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12-06-2010)[10]
- Tôi yên tâm. Yên tâm rằng phải làm. Yên tâm cùng Chính phủ xin Quốc hội chủ trương để làm. Yên tâm là Quốc hội và Chính phủ tính được bài để làm(Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12-06-2010)[13]
- Ai dám hạn chế không cho các anh phát hành trái phiếu. Chính phủ sẽ không để xảy ra ngừng trệ vốn kinh doanh cho các tập đoàn".[14] Trả lời than thở của Phạm Thanh Bình, TGĐ Vinashin trong cuộc họp ngày 23 tháng 4 năm 2008: "Vốn chủ yếu vay từ ngân hàng, nhưng lãi suất cao. Chúng tôi đã trình đề án xin phát hành trái phiếu sáu tháng nay nhưng chưa được phê duyệt". Sau đó Vinashin được vay 10000 tỷ đồng từ các ngân hàng.[15]
- "Tôi thì vẫn chưa lo". Ngày 8 tháng 6 năm 2010, ông nói câu này khi được các phóng viên hỏi về những lo ngại về hiệu quả kinh doanh tại Vinashin trong kỳ họp Quốc hội.
- Dù ùn tắc, nhưng rất trật tự, rất lành mạnh, rất vui tươi (phát biểu trong đánh giá về đại lễ 1000 Thăng Long Hà Nội ngày 5 tháng 1 năm 2011).[16]
- Xin nói thật là làm thủ trưởng thì nó khác, cho ai nói thì nói, không cho nói thì thôi, người ta nói mình nghe thì nghe mà không nghe thì quên[17]
- "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai" [18]
- "Vậy số nợ còn lại vẫn treo đó khi nào trả? Mấy năm vừa rồi cũng nợ nữa. Đã thế còn vay ngắn, vay ngắn sang năm phải trả. Chưa vay đã trả lấy gì mà cân đối được. Các Ủy ban, Bộ, ngành phải tính chứ tôi nói các đồng chí năm nay không có đồng nào tăng lương. Nói hay thế mà 1 đồng xu tăng lương không có là thế nào?" (Nói trước Quốc hội về tình trạng hụt thu ngân sách trong năm 2014-15) [19]
Quan điểm
Về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN (điều 88), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho ý kiến: " Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được".[20]
Tham khảo
- ^ “Ông Nguyễn Sinh Hùng nhậm chức Chủ tịch Quốc hội”. Dân trí. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2011.
- ^ Tiểu sử tóm tắt trên trang chinhphu.vn
- ^ Thủa hàn vi của tân Chủ tịch Quốc hội qua ký ức hàng xóm, bè bạn "Nam Phong - Huyền Anh", cập nhật 24/7/2011, Giáo dục Việt Nam
- ^ Tiểu sử tóm tắt của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Tiền Phong Online cập nhật 19/1/2011 theo Thông tấn xã Việt Nam
- ^ Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói về "Vinashin mới", báo Lao động cập nhật 22/10/2010 theo Vneconomy, bài gốc của Nguyên Hà
- ^ 91,4% phiếu bầu ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Quốc hội Tư Khương 23/07/2011 08:08 báo Giáo dục Việt Nam
- ^ “Miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng”.
- ^ Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Tôi phải phấn đấu nhiều để bù vào số phiếu thấp 09:14 | 09/07/2006 Hữu Khôi thực hiện, báo Tiền Phong bản in
- ^ Các vấn đề kinh tế - Thị trường chứng khoán: Thử thách bản lĩnh nhà đầu tư ĐỖ PHÚ THỌ - ĐOÀN HOÀI TRUNG, báo Quân đội Nhân dân 22/03/2008, 21:39 (GMT+7)
- ^ a ă Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: "Không thể không làm đường sắt cao tốc" - VĂN TIẾN, Báo Pháp luật 13/06/2010 - 02:57
- ^ VnEconomy - Phó thủ tướng: "Không thể không làm đường sắt cao tốc" - Thời sự
- ^ "khong-the-khong-lam-duong-sat-cao-toc".html Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: "Không thể không làm đường sắt cao tốc" -Báo Tuổi trẻ
- ^ Phó thủ tướng: 'Yên tâm làm đường sắt cao tốc' Song Linh - Hoàng Ly, 12/6/2010, 11:15 GMT+7 - Vnexpress
- ^ VietNamNet
- ^ VnEconomy - Vinashin được huy động gần 20.000 tỷ đồng cho các dự án - Tài chính
- ^ Cấn Cường (ngày 5 tháng 1 năm 2010). “Đại lễ là sự kiện có hiệu quả cao nhất của năm”. Báo Dân trí. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2010.
- ^ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Tôi không ngồi nhầm vai LÊ KIÊN lược ghi 07/08/2011 07:59 (GMT + 7) báo Tuổi Trẻ
- ^ “Quốc hội quyết định sai thì nhận khuyết điểm chứ không kỷ luật được”. Thanh Niên Online. Ngày 11 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Nói hay thế mà một đồng xu tăng lương không có là thế nào?”. Thanh Niên Online. Ngày 22 tháng 10 năm 2015.
- ^ “Không để “tội chung chung muốn bắt ai thì bắt””. Thanh Niên Online. Ngày 15 tháng 9 năm 2015.
Xem thêm
- Vinashin
- Kinh tế Việt Nam
- Danh sách Phó Thủ tướng Việt Nam
(Nguồn: Wikipedia)