Nguyễn Ngọc Trân (sinh 1940) là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa IX, X, XI. Ông thuộc đoàn đại biểu An Giang.1 .
Ông sinh ra trên một cù lao nằm giữa sông Tiền, tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong gần 30 năm nghiên cứu khoa học, ông đã có những công trình tiêu biểu về sông Mê Kông, vùng ĐBSCL,... Ông cũng từng là nhà khoa học làm trong viện khoa học Toán của Pháp. Trong thời gian ở Pháp, từ năm 1959 đến năm 1976, ông tốt nghiệp Tiến sĩ cấp ba và Tiến sĩ Quốc gia Khoa học tại Đại học Sorbonne (Paris), là nghiên cứu viên tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS), Giáo sư đại học (Poitiers, Pháp).
Năm 1976 ông cùng gia đình về nước. Từ 1976 đến 1980 ông giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.Được công nhận Giáo sư tháng 5 năm 1980. Từ năm 1980 đến năm 1992, là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Từ 1983 - 1990, được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cử làm Chủ nhiệm chương trình khoa học cấp Nhà nước "Điều tra cơ bản tổng hợp vùng ĐBSCL"(CT 60 - 02, 60 - B).2 . Ông là thành viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1992.
Ông đã có một số góp ý thẳng thắn vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, trong giai đoạn đưa ra xin ý kiến các tầng lớp nhân dân. Một số góp ý tiêu biểu của ông, như sau:
- "Quốc hội luôn ở trong tình trạng "học việc", nhưng lại phải quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước ngay trong kỳ họp đầu tiên, trong đó có bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, UBTVQH, phê chuẩn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiếm toán nhà nước, v.v...".2 .
- "...Đọc hết dự thảo, tôi không rõ cơ quan nhà nước nào kiểm soát QH, trong khi đó QH, theo dự thảo, có rất nhiều quyền lực, có thể nói là quyền lực nhất, và không có quy định QH bị giải tán như ở hầu hết các nước. Đây là một thiếu sót mà theo tôi cần được bổ khuyết..."2 .
Vợ ông, kỹ sư Phan Thị Hồng, là một trong năm sáng lập viên của Trường Đại học Hoa Sen, ủy viên Ban chấp hành, phó chủ tịch Hội Tin học TPHCM các nhiệm kỳ I, II, III. [cần dẫn nguồn]
Con gái lớn của ông, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vân, hiện đang công tác tại Pháp. [cần dẫn nguồn]
Con gái út, tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương, nguyên trưởng khoa CNTT trường Đại học Hoa Sen, Ủy viên Ban chấp hành Hội tin học TPHCM các nhiệm kỳ IV, V, Ủy viên Ban chấp hành Hội liên lạc Người Việt Nam ở nước ngoài, Giám đốc Đào tạo Trường Đại học FPT. Hiện nay chị là Giám đốc Đào tạo Viện Quản trị Kinh doanh FPT tại TPHCM. [cần dẫn nguồn]3
Đóng góp
Đóng góp
Gắn bó trong suốt 35 năm với đồng bằng sông Cửu Long, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của đồng bằng, cho việc ứng phó với các thách thức mà đồng bằng phải đối diện, toàn cầu (biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế), khu vực (khai thác nguồn nước sông Mekong từ thượng nguồn, trong đó có việc xây dựng các đập thủy diện trên dòng chính sông Mekong) và khai thác tài nguyên tại địa bàn.
Ông đã có nhiều báo cáo khoa học được chú ý tại các hội nghị trong nước và quốc tế, trong đó có: Mô phỏng dòng chảy sông Mekong từ Chiang Saen đến Tân Châu và Châu Đốc (1995), Tác động của biến đổi khí hậu lên đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung, Nhiệm vụ khoa học cần triển khai (Đại học Huế, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2008), Đồng bằng sông Cửu Long đối diện với thách thức kép của biến đổi khí hậu (Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Ủy ban Quốc tế về các Đập lớn, Hà Nội, 5.2010), Châu thổ sông Mekong đối mặt với nguy cơ bị lún chìm và bị xâm thực (Hội nghị quốc tế về tương tác đa trường và môi trường, trường Đại học Cửu Long, 09.03.2015).
Ông đã góp ý mang tính phản biện hai dự án được tài trợ quốc tế về đồng bằng sông Cửu Long: Góp ý với Dự án “Kế hoạch châu thổ sông Mekong” (do chuyên gia Hà Lan soạn thảo) (2012), và Nhận xét báo cáo của Dự án Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong (MDS) do Viện Thủy Lợi Đan Mạch DHI, thực hiện, 2016). Ông cũng theo dõi và chỉ ra những lãng phí và tác hại đến môi trường trong nhiều dự án đầu tư công có liên quan đến đồng bằng sông Cửu Long.
Ông đã xuất bản sách Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên – Môi trường – Phát triển, báo cáo tổng hợp của Chương trình khoa học Điều tra cơ bản tổng hợp đông bằng sông Cửu Long do ông chủ biên (Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, Hà Nội, 3.1991); Một số vấn đề kinh tế toàn cầu hiện nay (Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2002, tái bản 2003), Những hòn đá nhỏ vì sự phát triển bền vững (Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, 2011), Về kỹ năng của người đại biểu dân cử (Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2016).
Ông được cho là một đại biểu Quốc hội thảo luận, chất vấn thẳng thắn và xây dựng tai hội trường. Các cuộc giám sát mà ông đã chủ trì về ODA, về việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Nhà nước đã ký kết, về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, về quy hoạch sử dụng đất được đánh giá là sâu sát. Do những đóng góp tích cực của Phân ban Việt Nam và của cá nhân, ông được bầu Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (1997-2007).
Đối với quê nhà, ông đã tài trợ để xây dựng một số cơ sở vật chất và cấp học bổng khoa học kỹ thuật hàng năm cho sinh viên học giỏi có hoàn cảnh gia đình khó khăn cho đến khi ra trường.
Tham khảo
- ^ “Danh sách Đại biểu Quốc hội khóa X”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2017.
- ^ a ă Nguyễn Ngọc Trân (ngày 22 tháng 2 năm 2013). “Cần một Hiến pháp cơ bản và ổn định”. Báo điện tử Đại biểu nhân dân. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2017.
- ^ [Nữ tiến sĩ trẻ nhất FPT http://chungta.vn/tin-tuc/nguoi-fpt/su-fpt/nu-tien-si-tre-nhat-fpt-26221.html “tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương”].
4 “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” – VietnamNet.vn 24.05.2004. 5 Chuyện về những đại biểu làm nên thương hiệu chất vấn - Báo Công An Nhân Dân, 29.11.2015
- Cần một Hiến pháp cơ bản và ổn định, web Đại biểu nhân dân
(Nguồn: Wikipedia)