Cao Văn Viên
Caovanvien.jpg
Đại tướng Cao Văn Viên
Tiểu sử
Sinh 11 tháng 12 năm 1921
Vạn Tượng,1 Lào
Liên bang Đông Dương
Mất 22 tháng 1, 2008 (87 tuổi)
Arlington, Virginia
Hoa Kỳ
Binh nghiệp
Phục vụ Flag of South Vietnam.svg Việt Nam Cộng hòa
Thuộc Flag of the South Vietnamese Army.jpg Quân lực VNCH
Năm tại ngũ 1949-1975
Cấp bậc US-O10 insignia.svg Đại tướng
Đơn vị ARVN Joint General Staff Insignia.svg Bộ Tổng Tham mưu2
ARVN Presidential Guards Unit's Insignia.png Phủ Tổng thống
Vietnamese Airborne Division 's Insignia.svg Binh chủng Nhảy dù
QD III VNCH.jpg Quân đoàn III và QK 3
Tổ quốc - Đại dương.gif Hải quân VNCH
Chỉ huy Flag of France.svg QĐ Liên hiệp Pháp
Flag of the Vietnamese National Army.svg Quân đội Quốc gia
Flag of the South Vietnamese Army.jpg Quân lực VNCH
Tham chiến -Chiến tranh Đông Dương
-Chiến tranh Việt Nam
Khen thưởng B.Quốc H.Chương Đệ II3
Silver Star ribbon.svg H.Chương Sao bạc4
Legion of Merit ribbon.svg Huy chương Q.Đoàn5
Công việc khác Flag of the United States.svg Tuỳ viên Quân sự6
Flag of the Minister of National Defense of the Republic of Vietnam.svg T.Trưởng Q.Phòng7
ARVN Joint General Staff Commander Flag.svg T.Tham mưu trưởng8

Cao Văn Viên9 (1921-2008), nguyên là một tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Đại tướng. Ông xuất thân từ trường Võ bị Địa phương do Chính quyền Thuộc địa Pháp mở ra ở miền Đông Nam phần Việt Nam, nhằm đào tạo sĩ quan người bản xứ để phục vụ cho Quân đội Liên hiệp. Hầu hết thời gian tại ngũ, ông được đảm trách những chức vụ chuyên về lãnh vực Tham mưu. Là một trong năm quân nhân được thăng cấp Đại tướng của Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng là người giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong thời gian lâu nhất (1965-1975).

Tiểu sử và Binh nghiệp

Ông sinh ngày 11 tháng 12 năm 1921 tại Vientiane, Lào10 trong một gia đình thương nhân, có đời sống kinh tế tương đối. Thời niên thiếu, ông được học cấp Tiểu và Trung học theo giáo trình Pháp tại Vạn Tượng (Vientiane). Năm 1942, ông tốt nghiệp Trung học phổ thông tại Lào với văn bằng Tú tài toàn phần (Part II). Sau đó, ông được bổ dụng làm công chức tại Paksé, Nam Lào. Đầu năm 1949, ông theo cha mẹ trở về Việt Nam.

Quân đội Liên hiệp Pháp

Đầu năm 1949, sau khi hồi hương, ông nhập ngũ vào Quân đội Liên hiệp Pháp, được cử theo học khóa đào tạo sĩ quan người Việt tại trường Võ bị Địa phương ở Vũng Tàu (Cap Saint Jacques).11 Cuối năm mãn khóa tốt nghiệp Thủ khoa với cấp bậc Thiếu úy.12 Ra trường, ông được phục vụ trong một đơn vị Bộ binh.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Năm 1951, chuyển biên chế sang Quân đội Quốc gia, ông được thăng cấp Trung úy và được cử theo học lớp Chỉ huy chiến thuật tại Trung tâm Huấn luyện Chiến thuật Hà Nội.13 Năm 1952, ông được cử làm Trưởng phòng 2 (Tình báo) trong Bộ chỉ huy Khu chiến Hưng Yên do Đại úy Dương Quý Phan14 làm Chỉ huy trưởng. Cuối năm, ông được thăng cấp Đại úy và được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10 Việt Nam. Năm 1954, đổi sang làm Trưởng phòng 3 (Hành quân) Khu chiến Hưng Yên. Tháng 3 năm 1955, ông được thăng cấp Thiếu tá, được cử làm Trưởng phòng 4 (Tiếp vận) tại Bộ Tổng tham mưu Quân đội Quốc gia.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Cuối tháng 10 năm 1955, sau khi Chính thể Việt Nam Cộng hòa hình thành, ông được cử làm Tùy viên Quân sự Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ. Đầu năm 1957, ông được triệu hồi về nước tiếp tục phục vụ tại Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 7 năm 1957, ông được cử theo học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ. Đầu tháng 2 năm 1958 tốt nghiệp về nước, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Biệt bộ Tham mưu tại Phủ Tổng thống. Cuối năm ông được thăng cấp Trung tá tại nhiệm.

Đứng ngoài các cuộc đảo chính

Trong cuộc đảo chính 1960, ông bị lực lượng đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi bắt giữ và được thả ra sau khi cuộc đảo chính hoàn toàn thất bại. Ngay sau đó, ông được Tổng thống Ngô Đình Diệm bổ nhiệm làm Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy dù thay thế Đại tá Nguyễn Chánh Thi đã đào thoát sang Campuchia. Cuối năm ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm.

Đến khi cuộc đảo chính 1963 nổ ra, ông là một trong những số ít sĩ quan cao cấp trung thành với Tổng thống Ngô Đình Diệm, kiên quyết không đứng về phe đảo chính do các tướng lĩnh Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim tiến hành. Vì vậy ông bị các tướng lĩnh tước quyền chỉ huy Lữ đoàn Nhảy dù, phải bàn giao cho Trung tướng Lê Văn Nghiêm. Tuy nhiên do sự can thiệp của tướng Tôn Thất Đính nên ông chỉ bị cách ly mà không rơi vào số phận bi thảm như các Đại tá Hồ Tấn Quyền và Lê Quang Tung. Sau 1 tuần lễ ông được phục hồi chức vụ Tư lệnh Lữ đoàn Dù.

Sau khi tướng Nguyễn Khánh thực hiện cuộc Chỉnh lý để giành quyền lãnh đạo. Để tranh thủ sự ủng hộ của các sĩ quan trẻ, ngày 3 tháng 3 năm 1964, tướng Khánh đã thăng đặc cách cho ông tại mặt trận lên cấp Thiếu tướng (ông bị thương trong cuộc hành quân Quyết Thắng tại Hồng Ngự, Kiến Phong). Ông là vị Đại tá cuối cùng được thăng cấp Thiếu tướng trước khi Việt Nam Cộng hòa đặt ra quy chế phong Đại tá lên Chuẩn tướng.15

Tháng 9 năm 1964, ông được tướng Khánh cử vào chức vụ Tham mưu trưởng Liên quân tại Bộ Tổng tham mưu, sau khi bàn giao chức vụ Tư lệnh Lữ đoàn nhảy dù lại cho cấp phó là Đại tá Dư Quốc Đống. Ngày 12 tháng 10, ông bàn giao chức vụ Tham mưu trưởng lại cho Trung tướng Trần Văn Minh (Lục quân) để đi giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn III và Vùng 3 Chiến thuật thay thế Trung tướng Trần Ngọc Tám16 Đến tháng 2 năm 1965 tướng Khánh bị các nhóm các tướng trẻ gạt bỏ khỏi Chính quyền và ngày 11 tháng 10 cùng năm, ông được lệnh bàn giao Quân đoàn III lại cho Thiếu tướng Nguyễn Bảo Trị. ngay sau đó ông được thăng cấp Trung tướng và được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Tham mưu trưởng do Trung tướng Nguyễn Hữu Có Tổng trưởng Quốc phòng kiêm nhiệm.

Ngày 14 tháng 9 năm 1966, ông kiêm nhiệm Tư lệnh Hải quân thay thế Hải quân Đại tá Trần văn Phấn.17 Hơn một tháng sau ngày 31 tháng 10, ông bàn giao chức vụ Tư lệnh Hải quân lại cho Hải quân Đại tá Trần Văn Chơn. Ngày 28 tháng 1 năm 1967, ông kiêm nhiệm chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng thay Trung tướng Nguyễn Hữu Có, cũng chính là người tiền nhiệm của ông trong vị trí Tổng tham mưu trưởng, bị bãi chức trong khi đang đi công du tại Đài Loan. Cũng vào thời điểm này, ngày 2 tháng 4 ông được thăng cấp Đại tướng tại nhiệm. ngày 7 tháng 11 cùng năm, bàn giao chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng lại cho Trung tướng Nguyễn Văn Vỹ. Năm 1972, Hội đồng Nội các quyết định chức vụ Tổng tham mưu trưởng được xếp ngang hàng Tổng trưởng và được dự họp trong Hội đồng Nội các.

1975

Trước sức ép mãnh liệt của dư luận và áp lực quân sự của quân Bắc Việt, ngày 21 tháng 4 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Cũng không lâu sau đó, Tướng Cao Văn Viên cũng từ nhiệm vào ngày 27 tháng 4 và xin giải ngũ khi chưa có quyết định chính thức của tân Tổng thống Trần Văn Hương. Ông giao lại cho Trung tướng Đồng Văn Khuyên Xử lý Thường vụ Tổng Tham mưu trưởng và ngày 28 tháng 4 đem theo gia đình cùng với gia đình cựu Tổng thống Thiệu lên máy bay di tản đến Đài Loan. Sau đó được sang Hoa Kỳ định cư. Sau khi phu nhân qua đời và không lâu sau đó người con trai duy nhất cũng vắn số. Ông sống bình lặng tại Arlington, Tiểu bang Virginia. Thời gian cuối đời ông sống ở viện dưỡng lão.

Ngày 22 tháng 1 năm 2008, ông từ trần tai nơi định cư. Hưởng thọ 87 tuổi.

Nhận xét

Trong suốt thời gian giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng, ông được đánh giá là một tướng lĩnh có tài và không liên quan đến các hoạt động chính trị. Tuy nhiên, ông cũng bị đánh giá là một người an phận và không muốn tạo trách nhiệm.

Hồi ký "Việt Nam Nhân Chứng" của tướng Trần Văn Đôn viết: "Có lần ông Thiệu than phiền ông Cao Văn Viên không làm việc nhiều. Ông Thiệu nhờ tôi nói với Đại tướng Viên, Tổng Tham mưu trưởng, về việc ông này cứ ở mãi Tổng Tham mưu làm việc, không chịu đi ra ngoài, ông Viên trả lời: Tôi đã xin từ chức mấy lần mà ông Thiệu không chấp nhận nên tôi cứ ở văn phòng làm việc mà thôi!"

Trong hồi ký "Đôi dòng ghi nhớ" của cựu Đại tá Phạm Bá Hoa18 nguyên Chánh văn phòng Tổng Tham mưu trưởng, cũng nhận xét là trong gần 9 năm rưỡi giữ chức Tổng Tham mưu trưởng, ông không thực sự làm hết trách nhiệm, đến văn phòng cho có lệ, ít ra chiến trường, đặc biệt là vào những năm 1973-1975, ông chỉ còn chú trọng nhiều đến việc tập luyện yoga và thậm chí, ghi danh vào Đại học để lấy bằng Cử nhân Văn chương Pháp tại Đại học Văn khoa Sài Gòn ngoài giờ làm việc.

Lý giải sự việc này, theo cuộc phỏng vấn của Lý Thanh Tâm tháng 12 năm 2004, ông cho rằng do Tổng thống Thiệu, với tư cách Tổng tư lệnh Quân đội, đã tập trung hết quyền binh trong tay, đã cho đặt một hệ thống máy truyền tin tại dinh Độc lập để liên lạc thẳng với các quân khu, điều động các đơn vị, bổ nhiệm tư lệnh vùng và ra lệnh trực tiếp hành quân. Bộ Tổng Tham mưu chỉ còn giữ vai trò tuân hành và thị chứng. Do đó, ông đã nhiều lần xin từ chức nhưng không được chấp thuận. Vì vậy ông chỉ có thể phản ứng bằng cách tiêu cực như trên.

Gia đình

  • Thân phụ: Cụ Cao Văn Tý (Sinh năm 1900. Sinh quán tại miền Bắc Việt Nam. Nguyên là một thương nhân buôn bán tại Lào)
  • Thân mẫu: Cụ Nguyễn Thị Võ
  • Nhạc phụ: Cụ Trần Phong Ngàn (tự Hội đồng Ngàn)
  • Nhạc mẫu: Cụ Từ Thị Thu
  • Phu nhân: Bà Trần Thị Tạo (Sinh năm 1925 tại Sóc Trăng, từ trần tại Mỹ) - Ông bà có hai người con: 1 trai, 1 gái.
  • Quý nam: Cao Anh Tuấn
  • Quý nữ: Cao Thị Phương Lan (Hiện nay bà là giáo sư luật tại Hoa Kỳ và cũng là nhà văn với bút hiệu Lan Cao)

Chú thích

  1. ^ Do Thân phụ làm Công chức cho Chính quyền Thuộc địa Pháp và được cử đi tùng sự tại Lào, nên tướng Cao Văn Viên được sinh ở đây
  2. ^ Tướng Cao Văn Viên có ba lần phục vụ ở Bộ Tổng Tham mưu:
    -Lần thứ nhất: Thiếu tá Trưởng phòng 4 (1955).
    -Lần thứ hai: Thiếu tướng Tham mưu trưởng (1964).
    -Lần thứ ba: Trung tướng, Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng (1965-1975).
  3. ^ Bảo quốc Huân chương Đệ nhị đẳng.
  4. ^ Huân chương ngôi sao bạc do Hoa Kỳ trao tặng
  5. ^ Bằng tưởng thưởng hoặc Huy chương cấp Quân đoàn.
  6. ^ Sĩ quan Tuỳ viên Quân sự cho Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ.
  7. ^ Tổng trưởng hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
  8. ^ Tổng Tham mưu trưởng hoặc Tổng trưởng Quân lực.
  9. ^ Ông sinh ở Vientiane (còn gọi theo phiên âm là Viên Chăn hoặc theo Hán-việt là Vạn Tượng), nên thân phụ ông lấy chữ Viên để đặt tên cho ông.
  10. ^ Nguyên quán của tướng Cao Văn Viên ở miền Bắc Việt Nam.
  11. ^ Trường Võ bị Cap Saint Jacques là hậu thân của trường Sĩ quan Nước Ngọt, về sau cải danh thành trường Võ bị Địa phương Nam Việt.
  12. ^ Cùng tốt nghiệp khóa sĩ quan với tướng Cao Văn Viên ở trường Võ bị Địa phương Nam Việt năm 1949, sau này đều là sĩ quan cao cấp trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa:
    -Cấp tướng:
    -Trung tướng Nguyễn Chánh Thi (Sinh năm 1923 tại Thừa Thiên. Sau cùng là Tư lệnh Quân đoàn I và Vùng 1 Chiến thuật. Giải ngũ năm 1966).
    -Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (Sinh năm 1926 tại Mỹ Tho. Sau cùng là Chuẩn tướng Thanh tra Quân đoàn I. Giải ngũ năm 1974. Năm 1975 tái ngũ được Tổng thống Dương văn Minh cho làm Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng).
    -Cấp Đại tá:
    -Huỳnh Văn Tư (Sau cùng là Quân trấn trưởng Sài Gòn-Gia Định)
    -Nguyễn Văn Đầy
    -Nguyễn Văn Ngưu (Sinh năm 1920 tại Mỹ Tho. Sau cùng là Tỉnh trưởng Long An. Giải ngũ năm 1970, đắc cử Thương nghị sĩ trong Quốc hội Lưỡng viện Việt Nam Cộng hòa).
    -Nguyễn Văn Ưng (Sinh năm 1918 tại Bình Dương. Sau cùng là Trưởng ban Thanh tra của Tổng cục Quân huấn. Giải ngũ năm 1974).
    -Trần Văn Xội (Sinh năm 1915 tại Nam vang, Cam Bốt. Sau cùng là Cục trưởng Cục Quân vận. Giải ngũ năm 1972).
  13. ^ Tiền thân của trường Đại học Quân sự, rồi trường Chỉ huy Tham mưu sau này.
  14. ^ Năm 1956 là Đại tá Quân trấn trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn. Giải ngũ năm 1963.
  15. ^ Lâm Vĩnh Thế, Nhóm tướng trẻ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào giai đoạn 1964-1965.
  16. ^ Trung tướng Trần ngọc Tám được chuyển về Trung ương giữ chức vụ Tư lệnh Địa phương quân và Nghĩa quân.
  17. ^ Hải quân Đại tá Trần Văn Phấn (Sinh năm 1926, Tốt nghiệp khóa 1 Sĩ quan Hải quân Nha Trang. Tư lệnh Hải quân 1965-1966. Giải ngũ năm 1966).
  18. ^ Sinh năm 1930 tại Sóc Trăng, tốt nghiệp khoá 5 Vì Dân trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Sau cùng là Tham mưu trưởng Tổng cục Tiếp vận.

Tham khảo

  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

(Nguồn: Wikipedia)