Tài Liệu Mật: Hồi Ký Về Chiến Tranh Việt Nam Và Vụ Tiết Lộ Hồ Sơ Lầu Năm Góc là cuốn hồi ký chính trị sâu sắc của Daniel Ellsberg được xuất bản vào năm 2002, trở thành cuốn sách bán chạy nhất, gây xôn xao nước Mỹ. Hồi ký của Ellsberg tường thuật lại câu chuyện về việc ông đã làm như thế nào để rò rỉ Hồ sơ Lầu Năm Góc cho tờ New York Times năm 1971 và cuộc xét xử ông được mở ra sau đó.
Cuốn hồi ký được chia làm ba phần, mỗi phần tương ứng với mỗi giai đoạn trong cuộc đời tác giả: Từ một chiến binh lạnh lùng và là chuyên gia phân tích thuộc Bộ Quốc phòng trở thành một nhà hoạt động phản chiến đầy nhiệt huyết.
Hồi ký mở đầu bằng việc kể lại cuộc hành trình đi tìm sự thật của tác giả và phơi bày chuyện lừa dối của bộ máy chính quyền ngay trong ngày đầu tiên ông vào làm việc ở Bộ Quốc phòng Mỹ (4/8/1964), cũng được gọi là ngày đầy tai tiếng tệ hại của chính quyền Mỹ về cái gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Càng hiểu về cuộc chiến tranh từ việc làm của những người đưa ra các quyết định chính sách ở cấp tối cao, qua các tài liệu mật, qua các báo cáo về các âm mưu bí mật, cùng với sự khác biệt giữa những gì ông được chứng kiến trong các chuyến viếng thăm Việt Nam, lái xe qua khu vực nguy hiểm của Việt Cộng, vào đầu những năm 1960, và những gì báo chí và người dân kể trong hai năm tình nguyện sang Việt Nam, Ellsberg càng mất tin tưởng về triển vọng một thắng lợi quân sự của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Phần thứ hai của cuốn hồi ký kể về những hoài nghi của tác giả sau khi trở về Mỹ năm 1967. Daniel Ellsberg bắt đầu nhìn thấy sự hoài nghi của ông được rất nhiều người trong bộ máy chính quyền chia sẻ, mặc dù lúc này tổng thống và một số quan chức cao cấp khác vẫn luôn đưa ra trước công chúng Mỹ những lời tuyên bố rất lạc quan. Cũng trong thời gian này, Ellsberg gặp gỡ nhiều nhà hoạt động phản chiến, những người ủng hộ các giải pháp hòa bình và chịu ảnh hưởng rất lớn của họ. Quan điểm chống chiến tranh, chấp nhận ngồi tù của họ khiến Ellsberg càng nghi ngờ về những việc mình đang làm để giúp chính phủ Mỹ đi đến cùng của cuộc chiến.
Lương tâm thúc đẩy Daniel Ellsberg phải công khai sự thật. Và muốn làm được như vậy chỉ còn cách chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa này, một cuộc chiến chỉ có máu và nước mắt. Trong phần thứ ba, tác giả đã mô tả lại hết sức chi tiết quyết tâm chấp nhận mọi nguy hiểm để vạch trần những thủ đoạn lừa dối và những ảo tưởng phi lý trong các chính quyền Mỹ can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam từ thời Tổng thống Truman đến các chính quyền kế tiếp. Bên cạnh đó, Ellsberg đã tạo nên sự hồi hộp và kịch tính khi mô tả về những ngày tháng lẩn trốn trước sự truy đuổi của FBI sau khi các tài liệu được báo chí công bố rộng rãi cho đến khi Tổng thống Nixon đã phải từ chức bởi dính líu vào vụ Watergate. Dưới áp lực từ nhiều phía, tòa án chỉ còn cách tuyên bố trắng án và phóng thích Ellsberg. Và Daniel Ellsberg trở thành một anh hùng phản chiến trong lòng người dân Mỹ.
Tài liệu mật: Hồi ký về cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc không chỉ là một cái nhìn hấp dẫn về các hoạt động của quyền lực, một bức tranh nổi bật về những người thông minh kiên trì với một chính sách chiến tranh mà không bao giờ có thể thành công, với những hạn chế cố hữu của quân đội Hoa Kỳ và quân đồng minh miền Nam Việt Nam mà còn là là một câu chuyện về một người anh hùng, một người yêu nước, một người dám dũng cảm từ bỏ công việc, tự do để mang lại sự thật và chính nghĩa cho toàn thế giới.
Cuốn sách nằm trong danh sách Bestsellers liên tục tại Mỹ và được tái bản nhiều lần.
Mời bạn đón đọc.