Trong kho tàng tư liệu phương Tây viết về lịch sử, văn hóa Việt Nam truyền thống, chúng ta có thể phân biệt nhiều thế hệ tác giả. Thế hệ thứ nhất là các nhà du hành, thương nhân, giáo sĩ phương Tây đã từng đến hai miền lãnh thổ Đại Việt (Đàng Ngoài và Đàng Trong) trong những thế kỷ XVII-XVIII như các tác giả A. de Rhodes, S. Baron, W. Dampier, C. Borri, P. Poivre, J. Barrow... Thế hệ thứ hai là các tác giả (chủ yếu là người Pháp) có thời gian sinh sống ở Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX, trong và ngay sau cuộc xâm lược của Pháp, bao gồm các sĩ quan, phóng viên, quan chức cai trị như G. Aubaret, J. Boissière, Hocquard, J. Silvestre, Luro... Thuộc thế hệ thứ ba, ta có thể kể đến các cha cố, nhà giáo, nhà nghiên cứu, học giả đã từng làm việc ở thuộc địa Đông Dương những thập niên đầu thế kỷ XX như L. Cadière, G. Dumoutier, Pelliot, H. Maspéro, Ch.B. Maybon... Từ đó đến nay, còn tiếp nối những thế hệ thứ tư, thứ năm nữa...
Ch.B. Maybon, tác giả của những công trình được dịch ra ở đây, là một trong những nhà Việt Nam học người Pháp xuất sắc hồi đầu thế kỷ trước. Là giáo sư, tiến sĩ văn khoa, thông thạo nhiều ngoại ngữ (Anh, Đức, Hán, Latinh..)., ông được đánh giá như một gương mặt học giả thực sự uyên bác và nghiêm túc về lịch sử Việt Nam thời kỳ tiền thực dân. Ông là tác giả của nhiều tiểu luận và công trình nghiên cứu nổi tiếng như Une factorerie anglaise au Tonkin au XVII siècle - BEFEO, 1910 (Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài thế kỷ XVII); Marchands européens en Cochinchine et au Tonkin - R.I.1916 (Các thương nhân người Âu ở Đàng Trong và Đàng Ngoài); Au sujet de la rivière du Tonkin - 1916 (Về vấn đề sông Đàng Ngoài); Histoire moderne du pays d’Annam - Paris, 1920 (Lịch sử cận đại xứ An Nam)...
Cuốn sách Những người châu Âu ở nước An Nam là bản dịch hai chương II và IV cùng có nhan đề Les européens en pays d’Annam của cuốn Histoire moderne du pays d’Annam và tiểu luận Une factorerie anglaise au Tonkin au XVII siècle vừa nói bên trên.
Trong hai chuyên luận Những người châu Âu ở nước An Nam và Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài, Ch.B. Maybon đã dựng lên một toàn cảnh về sự có mặt và hoạt động của các giáo sĩ và thương nhân phương Tây ở An Nam trong hai thế kỷ XVII và XVIII. Riêng chuyên luận thứ hai đi sâu khai thác và phân tích những tư liệu lưu trữ viết về Công ty Đông Ấn Anh và thương điếm Anh ở Phố Hiến, sau chuyển đến Kẻ Chợ, trong ba thập kỷ cuối thế kỷ XVII.
Đây là thời kỳ mà hai xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong của Đại Việt đã có những tiếp xúc, đụng độ đầu tiên về kinh tế và văn hóa với các nước tư bản phương Tây. Các sử sách Việt Nam cung cấp cho chúng ta rất ít tư liệu về vấn đề này, may mắn là nó đã được bù đắp lại bằng những nguồn tư liệu phương Tây phong phú. Tổng hợp những tư liệu đó, tác giả đã phân tích những bối cảnh và sự chuyển biến của lịch sử thế giới, tình hình các nước Tây Âu, khu vực Đông Á và Đông Nam Á, Đàng Ngoài dưới quyền vua Lê chúa Trịnh và Đàng Trong dưới quyền các chúa Nguyễn, làm nền tảng cho những chính sách và những mối quan hệ về chính trị, thương mại, tôn giáo giữa phương Tây và Đại Việt, qua các phái bộ và các cuộc tiếp xúc, thương lượng ngoại giao, những chuyến đi của các tàu buôn, hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ, công việc buôn bán của các thương điếm ngoại quốc với nhà nước phong kiến và dân chúng. Tác giả cũng đi sâu miêu tả những tình tiết, những liên minh và mâu thuẫn trong nội bộ những hoạt động đó, những tranh chấp, xung đột gay gắt giữa các nhóm thế lực: về tôn giáo là giữa các giáo đoàn dòng Tên (Jésuites) do Bồ Đào Nha bảo trợ và Hội truyền giáo ngoại quốc được triều đình Pháp ủng hộ, về lợi ích là giữa các Công ty Đông Ấn hoặc nhóm thương nhân người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... Đồng thời là những động cơ, toan tính, kế hoạch, kể cả những thủ đoạn, âm mưu hiểm độc để loại trừ nhau giữa các cá nhân có chức quyền, ảnh hưởng trong cùng một địa phận, một tổ chức, giữa những chức sắc giáo hội cùng là tín đồ xả thân vì Chúa, hoặc những thủ trưởng, quan chức cùng phục vụ cho lợi ích dân tộc của một quốc gia thực dân.
Cũng qua những chứng cứ lịch sử, chúng ta hiểu biết rõ hơn chính sách đối ngoại về kinh tế và tôn giáo đối với các nước phương Tây của các chúa Trịnh, chúa Nguyễn, sự chuyển biến có thể giải thích được từ một thái độ cởi mở, khoan dung đến những biện pháp bài ngoại khắt khe, cấm đoán và khủng bố của chính quyền phong kiến Đại Việt. Tác giả còn đưa ra những sử liệu nói lên tính toán vụ lợi và có khi là thái độ áp đặt trịch thượng của một số quan chức người phương Tây trong những cuộc giao thiệp, thương thuyết với nhà cầm quyền bản xứ, ở một mặt khác, là những thói sách nhiễu, tệ hà lạm tham nhũng của những quan chức Việt Nam, nhất là bộ phận quan lại ngạch hải quan có nhiệm vụ giao thiệp, khám xét và đánh thuế các tàu buôn nước ngoài.
Điều đáng quý ở Ch.B. Maybon là tính trung thực, khách quan của một trí thức có nhân cách độc lập, thoát khỏi sự ràng buộc của những định kiến về chủng tộc, chính trị hoặc tôn giáo, tín ngưỡng. Là người Pháp chính cống, nhưng ông không bênh vực cho chủ nghĩa thực dân như một số tác giả khác cùng thời đã làm. Là người yêu Việt Nam, nhưng ông cũng không ngần ngại vạch ra những thói hư tật xấu của giới quan liêu và cơ chế phiền hà của bộ máy chính quyền phong kiến. Ngòi bút của ông trầm tĩnh nhưng không lạnh lùng, để cho những sự kiện lịch sử tự nó nói lên, không áp đặt suy diễn, đây đó được điểm xuyết bằng một vài lời bình súc tích, ngắn gọn, nhưng không kém phần sắc sảo, hóm hỉnh.
Tác giả chứng minh cho chúng ta thấy quan hệ phức tạp rắc rối khó tháo gỡ giữa thương mại và tôn giáo, kinh tế và chính trị từ cả hai phía phương Tây và Việt Nam, trong một thời đoạn lịch sử đã xuất hiện những tiềm năng và cơ hội tiếp xúc giao lưu Đông-Tây, đáng lý ra có thể tạo đà cho những chuyển biến tích cực, tiến bộ của xã hội Việt Nam truyền thống, nhưng đã bị tuột khỏi mất, và như vậy đã dẫn đến tình trạng và những sự cố mang tính bi kịch…
Mời bạn đón đọc.