Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài (Alexandre de Rhodes) là cuốn sách thứ hai trong Tủ sách Biên khảo - Sử liệu do công ty Sách Dân Trí (DT Books) triển khai, sách do dịch giả Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên chuyển ngữ từ bản Pháp văn in năm 1651.
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (15/3/1593-5/11/1660), sinh tại Avignon, miền Nam nước Pháp. Năm 1612, ông gia nhập dòng Tên ở Roma, rồi được thụ phong Linh mục năm 1618. Hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong, Đàng Ngoài và Macao từ năm 1624 đến năm 1645. Alexandre de Rhodes được triệu hồi từ khu truyền giáo Đàng Trong, nơi ông cư trú hai năm, để tới khu truyền giáo Đàng Ngoài. Sau khi truyền giáo ở Đàng Ngoài ba năm (1627-1630), Alexandre de Rhodes đã viết bản Tường trình về Đàng Ngoài hay Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài và cho ấn hành bằng tiếng Ý năm 1650, tiếng Pháp năm 1651 và tiếng Latinh năm 1652.
Cuốn sách được chia làm 2 phần với 82 chương:
Phần một hay quyển một gồm 31 chương, với sự phong phú đặc biệt của những đề tài: về danh hiệu, vị trí Đàng Ngoài, về vua Lê, về chúa Trịnh (lúc này là Trịnh Tráng), về lực lượng, về số thuyền chiến, về các nguồn lợi, về hành chính, về khoa thi…
Phần hai hay quyển hai gồm 51 chương, trong đó giáo sĩ kể lại tất cả hoạt động của ông và những người kế tiếp ông để đem Tin Mừng của Đức Kitô đến cho Đàng Ngoài. Là người truyền giáo, ông quan tâm đặc biệt tới các tôn giáo, các tín ngưỡng cũng như những mê tín dị đoan của người bản xứ. Vì thạo tiếng Việt mà giáo sĩ đã rất dễ dàng truyền bá đức tin. Một giáo đoàn đã bắt đầu thành lập. Đã có nhiều người tham gia vào công việc chung, như chép kinh, biên soạn sách giáo lý, soạn lịch Công giáo…
Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài được Alexandre de Rhodes viết cho độc giả châu Âu thượng bán thế kỷ XVII, cung cấp cho họ những tư liệu quý về tình hình chính trị, quân sự và xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo… và con người Việt Nam, cụ thể là Đàng Ngoài, lúc có sự tiếp xúc với người ngoại quốc, nhất là người Hà Lan và người Bồ, đặc biệt với người Bồ. Riêng về vấn đề tín ngưỡng, Alexandre de Rhodes có xu hướng phủ định tất cả những gì ngoài Công giáo, coi các tôn giáo khác là dị đoan, mê tín, lầm lỗi, v.v... Tuy nhiên, đó chỉ là quan điểm của một cá nhân, một quan điểm hay xu hướng cũ…
Tái bản cuốn sách này, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho độc giả những tư liệu bổ ích, góp phần vào việc tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, lịch sử và xã hội Việt Nam trong một thời kỳ đã qua.
Trân trọng,