Lão Tử nói "Trời dài, đất lâu. Trời đất sở dĩ dài lâu chính vì không tư dục, không mong cầu sự sống riêng tư, vì thế nên trường sinh." Con người cũng vậy, nếu nắm luật vận hóa của đất trời, sống thuận với sinh tử, không vì tư dục mà làm trái đạo tự nhiên, không vì mưu cầu những thứ ngoài thân mà hi sinh bản thân, sẽ được khỏa mạnh, yên lành, sống một đời vui vầy bình an.
Từ thời thượng cổ, con người với vũ trụ quan sinh động về thiên tượng, tinh tú đã phát hiện ra chu kỳ ngày đêm và tháng nên đã đặt ra mốc thời gian đơn sơ nhất. Từ đó, họ tiếp tục quan sát vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên, chu kỳ thời tiết, dùng những công cụ thô sơ để biết thêm và đánh dấu những điểm mốc thời gian khác phân định bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông rồi đặt ra các tiết khí khác nhau; đồng thời là sự vận dụng và định danh hệ thống Can chi, Âm dương, Ngũ hành, Bát quái với sự phối hợp vận hành theo quy luật tự nhiên để hình thành Lịch pháp buổi đầu xa xưa.
Trong lịch sử tiến hóa của nhân loại từ bộ tộc đến nhà nước phong kiến đều rất chú trọng đến việc xem xét thiên văn, tinh tú, thời tiết để định ra Lịch pháp, dự đoán cát hung; nhiều quốc gia dân tộc đã phát minh ra các loại lịch khác nhau. Bên cạnh cái nôi của văn minh Đông phương, Việt Nam cũng có lịch sử Lịch pháp từ rất sớm, song bởi chiến tranh tao loạn, thiên tai khắc nghiệt, nên tư liệu về lịch bị mai một hầu hết, chỉ còn lại rất ít tư liệu thời Lê và không nhiều ở thời Nguyễn. Trải qua các triều đại, nước ta đều có cơ quan chuyên trách về dự báo thời tiết, làm lịch, ban hành lịch trên phạm vi toàn quốc và duy trì suốt thời Trung đại cho đến khi nhà Nguyễn cáo chung.
Gần một thế kỷ qua, chúng ta đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch, ứng dụng lịch đã và đang đáp ứng được nhu cầu của toàn xã hội. Tuy nhiên, tư liệu Lịch pháp Hán Nôm cổ truyền hiện nay vẫn còn khoảng trống vắng, cần được sưu tầm, dịch thuật, khai thác, nghiên cứu, ứng dụng…
Trên cơ sở một số tư liệu Lịch Hán Nôm, tư liệu Lịch Trung Quốc lưu hành ở nước ta, tư liệu lịch sử và những tài liệu liên quan khác, chúng tôi biên soạn cuốn sách này nhằm giới thiệu về Lịch cổ truyền Việt Nam. Cấu trúc của cuốn sách gồm bốn phần như sau:
1) Phần thứ nhất trình bày khái lược về Lịch cổ truyền Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm, gồm các nội dung: cơ quan chuyên trách về Lịch pháp và quy trình biên soạn, san khắc, ấn hành, ban cấp Lịch cổ truyền; tư liệu Hán Nôm về Lịch cổ truyền qua các dạng Lịch pháp, Lịch niên kỷ, Lịch thường niên và một số tư liệu liên quan.
2) Phần thứ hai là một số nội dung cơ bản của Lịch pháp cổ truyền, từ hệ thống Can chi, Âm dương, Ngũ hành đến Bát quái với thuyết Tam nguyên Cửu vận; từ Nhị thập tứ Tiết khí, Thập nhị Trực đến Nhị thập bát tú. Trong đó, Thiên can, Địa chi là quy ước phù hiệu được vận dụng để ghi chép và Âm dương, Ngũ hành là nội hàm của chúng được kết hợp chặt chẽ, vận hành mạch lạc theo quy luật tự nhiên.
3) Phần thứ ba khái quát một số nội dung liên quan cần thiết trong Lịch pháp cổ truyền, từ Thất diệu đến Cửu diệu, từ tín ngưỡng cổ đại, Chiêm tinh, Phạm lịch Ấn Độ, đến tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Những vấn đề này có ý nghĩa nhất định trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa của quảng đại quần chúng nhân dân hiện nay, có thể vẫn nên được bảo lưu trong mạch nguồn của truyền thống văn hóa dân tộc. Hệ thống Thần sát phong phú được thể hiện trong Lịch pháp chính là sự chuyển vận của nhật nguyệt, tinh tú với quan hệ tương tác theo quy luật, giống như phép suy diễn, định danh theo sự tương quan như những hiện hữu cụ thể. Dưới góc độ Thiên văn học, toán học, nó đã được các Lịch pháp gia sắp xếp thể hiện khá hợp lý, linh hoạt mặc dù có cả sắc màu thần bí siêu hình.
4) Phần thứ tư giới thiệu, tuyển dịch một số văn bản Lịch cổ truyền như Bách trúng kinh, Khâm định Vạn niên thư, Đại Nam Hiệp kỷ lịch và cuối cùng là phần ứng dụng biên soạn Lịch năm Kỷ Hợi 2019. Lịch pháp bao hàm thuật Trạch cát với hệ thống Thần sát, nghi kỵ tồn tại qua bao thế kỷ đã được lịch sử ghi nhận và con người tin dùng, song xem xét và vận dụng như thế nào lại phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người, mỗi hoàn cảnh sống khác nhau.
Cuốn sách này như một tài liệu tham khảo bên cạnh những công trình Lịch pháp khác. Lịch pháp là lĩnh vực khó và phức tạp, tư liệu bị thất thoát và tản mát nhiều, trong quá trình biên soạn. Mặc dù nhóm tác giả đã hết sức cố gắng, song chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót, xin được lĩnh giáo ý kiến xây dựng của các chuyên gia Lịch pháp, các nhà nghiên cứu và quý độc giả gần xa để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong những lần tái bản.
Mời bạn đón đọc.