Từ xa xưa, khu vực Đông Nam Á đã là cầu nối giữa hai đại dương Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nối dài thế giới Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương với Biển Đông, tạo nên "con đường tơ lụa" trên biển, con đường mậu dịch từ cổ đại Roma qua Ấn Độ đến Trung Quốc. Tuy nhiên, phải đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, người ta mới xem xét Đông Nam Á như một thực thể địa - chính trị, văn hóa, lịch sử.
Trong quá trình phát triển, cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo ra một nền văn hóa riêng biệt, độc đáo, có cội nguồn từ thời tiền sử và sơ sử. Nền văn hóa mang tính khu vực thống nhất đó được phát triển liên tục trong suốt chiều dài lịch sử cho đến tận ngày nay. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Đông Nam Á bước vào một thời kỳ phát triển mới với những nội dung lớn như đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội đồng thời với quá trình xây dựng, thiết lập các mối quan hệ khu vực để không ngừng phát triển. Xét về tổng thể, những nội dung này diễn ra đan xen với nhau trong sự phát triển của các nước Đông Nam Á
Hiện nay, với nhiều nét phát triển tương đồng về tự nhiên, văn hóa, xã hội, Đông Nam Á đang có những chuyển động tích cực, là một trong những khu vực phát triển năng động trên thế giới, đồng thời là khu vực có vị trí địa - chiến lược, là tâm điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn, trở thành đối tượng tiếp cận và tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn.