Đình Làng Việt
Làng Việt là một thiết chế cộng cư, chín muồi và bền vững, trong đó đình làng chính là hiện thân của sự bền vững đó. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp dung dị của kiến trúc cổ truyền Việt Nam, gắn với hơi thở nghệ thuật truyền thống Việt. Giới thiệu về kiến trúc này, nhà nghiên cứu di sản văn hóa GS.Trần Lâm Biền cho biết, đình là một sản phẩm của lịch sử và văn hóa đã xuất hiện từ rất lâu đời.
Khởi đầu, chúng có chức năng cơ bản là dùng để nghỉ ngơi với các mức độ và hình thức khác nhau. Đình làng cũng là nơi dùng để xử trí những việc của làng và thực hiện những nghi thức tâm linh gắn với thành hoàng làng. Ngôi đình kiểu này được manh nha ra đời từ nửa cuối thế kỷ 15, với chứng năng ban bố chính lệnh của triều đình. Đình làng có thể được định hình vào thế kỷ 16, tiêu biểu như đình Thụy Phiêu, Tây Đằng, Lỗ Hạnh… Tới nửa cuối thế kỷ 17, đình làng đã đạt tới đỉnh cao của giá trị lịch sử văn hóa, đặc biệt là kiến trúc và chạm khắc mang đầy tính biểu tượng và hơi thở của văn hóa dân gian vật thể và phi vật thể.
Đình làng là một kiến trúc tiêu biểu trên mặt đất lớn nhất thời cổ xưa. Nó không bắt nguồn từ bất kể một nơi nào ngoài vùng châu thổ sông Hồng. Nó là một sản phẩm được ra đời từ yêu cầu của lịch sử trên nền tảng văn hóa bản địa. Có thể nói đình làng là một sáng tạo đặc biệt của kiến trúc dân gian Việt Nam. Đó là nơi đời và đạo hòa nhập để tạo nên một bản trường ca tâm linh phi hoa, phi ấn, phi tôn giáo ngoại lai ngoại trừ dấu ấn đã được Việt hóa. Như thế, việc dồn trí tuệ để dựng nên một sản phẩm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là một lẽ tất yếu – GS Trần Lâm Biền khẳng định.