Với đam mê được đi, được khám phá, Huyền Chip sau những tháng ngày đắm chìm cùng văn hóa, con người phong cảnh ở những vùng đất khác nhau của Châu Á đã quyết định bắt đầu hành trình đi dọc Châu Phi – vùng đất khắc nhiệt nhất thế giới.
Cuốn sách sẽ trở thành nguồn cảm cho nhiều bạn trẻ thực hiện đam mê mà bấy lâu còn e ngại. Đọc sách bạn sẽ trỗi dậy ý muốn được đi, được ngắm nhìn thế giới và khát khao trải nghiệm những cảm giác mới lạ trên đường mà nếu chỉ quanh quẩn bên đống sách vở, trong lòng thành phố đang sống bạn sẽ không bao giờ được tận hưởng/
Với khả năng khơi dậy đam mê, cuộc hành trình của Huyền Chip dọc Châu Phi sẽ góp phần tạo nên một thế hệ trẻ năng động, dám ước mơ, dám làm, dám cống hiến.Mời bạn đón đọc.
Báo chí giới thiệu
(TNO) Huyền Chip, cô gái vòng quanh thế giới với 700 USD, vừa trở về Việt Nam sau chuyến đi Nam Mỹ, chuẩn bị ra mắt tập 2 Xách ba lô lên và đi với tựa đề Đừng chết ở châu Phi.
Ở tập 2, Huyền Chip kể đến những thử thách mà cô phải đối diện để rồi trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc đời cô. Và tất cả những khó khăn đó không thể hạ gục cô gái trẻ nhưng chính sự ấm áp, mộc mạc đến từ con người châu Phi lại khiến trái tim Huyền Chip phải day dứt.
Chia sẻ về thông tin tập 2, Huyền Chip nói: Châu Phi với tôi là một châu lục của những cảm xúc vô cùng mãnh liệt. Chưa bao giờ tôi thấy yếu đuối như ở châu Phi: cô đơn đến cùng cực, thể chất suy sụp, bị đói, bị bỏ rơi, ám ảnh với căn bệnh thế kỷ...
"Nhưng cũng chưa bao giờ trái tim tôi rung động mạnh như khi những anh chàng mặc áo rách nửa lưng rón rén xin được chạm vào tóc tôi vì lần đầu tiên được thấy tóc dài; những cô bé không nói được tiếng Anh, ú ớ chỉ vào đôi dép rách tôi đang đi, không ngần ngại ngồi bệt xuống đất giúp tôi khâu lại...", Huyền Chip bày tỏ.
Dự kiến tập 2 Xách ba lô lên và đi sẽ ra mắt tại Hà Nội ngày 19.9; tại Đà Nẵng ngày 21.9; ngày 22.9 tại TP.HCM và tại Hải Phòng (quê hương Huyền Chip) ngày 28.9.
Trước đó, tập 1 Xách ba lô lên và đi với tựa đề Châu Á là nhà. Đừng khóc!, được nhiều bạn trẻ thích thú với hình ảnh cô gái trẻ đầy can đảm trong từng chuyến phiêu lưu.
(Báo thanhnien.com.vn giới thiệu 9/9/2013)
Hoàng Quyên
Vừa trở về Việt Nam sau chuyến đi đến Nam Mỹ, Huyền Chip đã có buổi giao lưu cùng bạn đọc TP.HCM để chuẩn bị ra cuốn sách mới: "Đừng chết ở châu Phi".
Thời gian qua, giới trẻ đang truyền tay nhau quyển sách "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip. Tập 1 gồm những câu chuyện cô ghi chép về hành trình vòng quanh 20 quốc gia từ châu Á đến châu Phi trong 2 năm qua trong khi chỉ có vỏn vẹn 700 USD trong túi.
Huyền Chip tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, đã quyết định đi làm ngay khi tốt nghiệp lớp chuyên Toán, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Hà Nội). Huyền Chip còn là người khởi xướng chiến dịch Free Hugs ở Việt Nam vào năm 2007. Sau đó, ngày 13/5/2010, Huyền Chip đã thực hiện chuyến độc hành xuyên lục địa.
Lần này, Huyền Chip trở lại ấn tượng hơn với cuốn sách mới mang tên "Đừng chết ở Châu Phi". Trong buổi giao lưu, hàng trăm bạn trẻ Sài Thành có niềm đam mê du lịch đã đến để cùng trò chuyện với cô về: "Từ bỏ, lựa chọn và phía trước".
Huyền Chip đã đã kể lại những trải nghiệm vô cùng mãnh liệt: "Chưa bao giờ tôi thấy yếu đuối như ở châu Phi, cô đơn đến cùng cực, thể chất suy sụp, bị đói, bị bỏ rơi, ám ảnh với căn bệnh thế kỷ. Chưa bao giờ tôi thấy đơn độc như khi bị sáu thanh niên cầm dao dí vào cổ cướp mà xung quanh mọi người chỉ giương mắt nhìn. Chưa bao giờ tôi thấy tức giận như khi những hủ tục trọng nam khinh nữ vẫn đầy rẫy khắp nơi, quan niệm cho rằng người nước ngoài nào cũng là túi tiền di động luôn thường trực trong suy nghĩ của họ. Cũng chưa bao giờ tôi thấy muốn đấm vào mặt ai nhiều như khi đám đàn ông hỏi tôi giá bao nhiêu để cưới tôi làm vợ".
"Nhưng cũng chưa bao giờ trái tim tôi rung động mạnh như khi những anh chàng mặc áo rách nửa lưng rón rén xin được chạm vào tóc tôi vì lần đầu tiên được thấy tóc dài. Những cô bé không nói được tiếng Anh, ú ớ chỉ vào đôi dép rách tôi đang đi, không ngần ngại ngồi bệt xuống đất giúp tôi khâu lại. Những người dân làng gầy gò, ăn chẳng đủ no nhưng khi thấy tôi đói phải ăn lạc sống đã hốt hoảng chạy về nhà tìm xem có gì ăn được để mang hết ra cho tôi", Huyền Chip xúc động bày tỏ.
Qua cuốn sách này, cô bạn cũng có lời chia sẻ rất thẳng thắn: "Với tập 2 này, tôi biết sẽ có nhiều người chỉ trích tôi với việc xâm nhập nước khác mà không có visa, hay gan lì chưa từng có. Nhưng như tôi đã chia sẻ, tôi chưa từng có ý định răn dạy ai điều gì, càng không mong những người chỉ trích mình đọc sách của tôi. Hãy xem tôi như là người viết và đang tường thuật lại những chặng đường mà tôi đã đi qua".
Với "Đừng chết ở châu Phi", Huyền Chip cho thấy sự đơn giản, chân thật trong cách viết. Sự thẳng thắn của của một kẻ ưa mạo hiểm pha lẫn chất lãng mạn giúp cuốn sách có sức hút đặc biệt.
Những trải nghiệm của Huyền Chip ở châu Phi sẽ thêm lửa cho những ai muốn vượt qua giới hạn của bản thân và bước ra ngoài thế giới để khám phá chính mình.
Cuốn sách mới nhất này của cô sẽ được ra mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng trong thời gian tiếp theo.
***
Một số thông tin sơ lược về Nguyễn Thị Khánh Huyền:
- Sinh năm: 1990.
- Tốt nghiệp THPT chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH QG Hà Nội).- Viết báo từ năm 15 tuổi.
- Đã đặt chân đến 25 quốc gia khác nhau.- Những nơi đến yêu thích nhất: Israel, Ấn Độ, Việt Nam.
- Những công việc đã làm: Công việc chính là Marketing, copywriting.
- Các công việc làm trên đường đi là: Hái hoa quả, làm diễn viên đóng thế, viết cho trang web công nghệ của Israel, nhập dữ liệu, làm ở sòng bạc.
(Báo eva.vn giới thiệu ngày 10/9/2013)
Theo Huỳnh Anh (Tri thức trực tuyến)
'Châu Phi là châu lục của cảm xúc, những cảm xúc vô cùng mãnh liệt. Chưa bao giờ tôi thấy yếu đuối như ở châu Phi: Cô đơn về tinh thần, suy sụp về thể chất', nữ tác giả tâm sự.
Huyền Chip nổi tiếng khi đi du lịch bụi ở tuổi 20 với số tiền ít ỏi trong tay. Những buồn vui, khó khăn, trải nghiệm dọc đường đã được cô viết thành sách trong series "Xách ba lô lên và đi". Tập 1 cuốn sách "Châu Á là nhà, đừng khóc!" đã phát hành và được đông đảo bạn đọc yêu thích. Tập 2 mang tên "Đừng chết ở châu Phi" kể về những trải nghiệm của Huyền Chip ở lục địa đen. Cuốn sách thú vị này sẽ được phát hành song song bản sách giấy và sách điện tử vào ngày 19/9.
- Tại sao chị chọn tiêu đề "Đừng chết ở châu Phi"?
- Ở châu Phi, bạn đồng hành của tôi đã bỏ cuộc, khiến tôi cảm thấy vô cùng trống trải. Thêm vào đó, sức khoẻ của tôi ngày một yếu. Ăn không đủ chất, ngộ độc thực phẩm, căng thẳng liên tục khiến tôi cứ thỉnh thoảng lại bị ngất xỉu. Một lần khi đi ngoài đường, tôi bị cắt vào cổ tay, nghĩ tới tình trạng HIV hoành hành tại đây, tôi lo sợ: "Tại sao tay tôi lại bị cắt? Nó là vô tình hay cố ý? Vết tay kia là của ai? Liệu người đó có bị HIV không?".
Một lần khác, tôi bị móc túi lấy mất điện thoại trong chợ, khi tôi chạy theo hô hào theo thói quen là có cướp, chẳng ai buồn để ý... Lúc đó tôi nghĩ châu Phi đang ăn mòn tôi, hút cạn sinh khí tôi, phá huỷ tôi từng tí từng tí một. Ngày nào cũng có chuyện gì đó xảy ra. Mỗi lần bước chân ra khỏi nhà tôi có cảm giác như ra trận vậy: "Một mình mình đối mặt với cả thế giới". Tôi tính thoái lui, sang Nam Mỹ, về Việt Nam, nhưng xem lại trong túi thì không còn đủ tiền để mua một nửa tấm vé đi Nam Mỹ. Tôi bị mắc kẹt ở châu Phi. Lựa chọn duy nhất của tôi là đấu tranh và sinh tồn, như những con người nơi đây vẫn làm hàng thế kỷ nay.
- Với chị, châu Á vẫn là nhà, vậy châu Phi là gì?
- Châu Phi với tôi là một châu lục của cảm xúc, những cảm xúc vô cùng mãnh liệt. Chưa bao giờ tôi thấy yếu đuối như ở châu Phi: Cô đơn về mặt tinh thần, suy sụp về mặt thể chất, bị đói, bị bỏ rơi, ám ảnh căn bệnh thế kỷ. Chưa bao giờ tôi thấy đơn độc như vậy, có khi bị 6 thanh niên cầm dao dí vào cổ cướp mà xung quanh không ai giơ một ngón tay lên giúp. Chưa bao giờ tôi thấy tức giận đến thế! Những hủ tục trọng nam khinh nữ, quan niệm cho rằng người nước ngoài nào cũng là túi tiền di động.
Cũng chưa bao giờ tôi thấy muốn đấm vào mặt ai nhiều đến chừng này, khi người ta cứ khăng khăng bảo tôi là người Trung Quốc, khi đám đàn ông hỏi tôi giá bao nhiêu để cưới tôi làm vợ. Nhưng cũng chưa bao giờ trái tim tôi rung động mạnh như khi những anh chàng mặc áo rách nửa lưng rón rén xin được chạm vào tóc tôi vì lần đầu tiên được thấy tóc dài; những cô bé không nói được tiếng Anh, ú ớ chỉ vào đôi dép rách tôi đang đi, rồi không ngần ngại ngồi bệt xuống đất giúp tôi khâu lại; những người dân làng gầy gò, ăn chẳng có mà ăn nhưng khi thấy tôi ăn lạc sống đã hốt hoảng chạy về nhà tìm có gì ăn được mang hết ra cho tôi. Con người châu Phi đơn giản và hoang dã, nhưng trái tim họ to và ấm.
- Đi qua châu Phi, những kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất?
- Ở đó tôi có quá nhiều kỷ niệm sâu sắc. Nhưng có lẽ nhớ nhất là khi tôi đang bước đi trên bờ hồ Malawi, một đám trẻ em tự nhiên vây lấy mình, rồi một chị bế một em bé còn đỏ hỏn đến trước mặt. Chị không nói được tiếng Anh, chỉ nhìn tôi rất bẽn lẽn, rồi một anh đến phiên dịch nói rằng chị ấy muốn tôi đặt tên cho con.
Tôi rất ngạc nhiên, bởi như ở Việt Nam chỉ có bố mẹ, ông bà hay những người quan trọng trong gia đình mới được đặt tên cho con nhỏ, tôi là gì mà được đặt tên. Tôi đã hỏi chị như thế, và chị trả lời rằng vì chị muốn một người có cuộc sống tốt hơn đặt tên cho em, để sau này em lớn lên có cuộc sống tốt hơn cuộc sống của chị ấy. Thực sự tôi đã nghĩ rất nhiều về chuyện này. Tôi đi lang bạt như thế, ăn bờ ngủ bụi, đã nghĩ rằng mình khổ, nhưng vẫn còn bao nhiêu người nghĩ rằng cuộc sống như của tôi là đáng mơ ước? Mình may mắn hơn người ta rất nhiều.
- Các quốc gia châu Phi phần lớn đang phát triển. Cảm nhận của chị về văn hóa, giáo dục, xã hội... ở đó có gì khác với một đất nước cũng đang phát triển như Việt Nam?
- Về văn hoá, xã hội thì chắc chắn là ở châu Phi sẽ khác với một nước châu Á, Việt Nam như mình rồi. Đây là một châu lục khác hoàn toàn. Ví như, chuyện cưới xin ở đấy cũng khác. Rất nhiều bộ tộc ở châu Phi khi cưới thì gia đình nhà trai phải trả tiền hồi môn cho nhà gái, và của hồi môn càng cao thì cô gái đó càng có giá. Khi sang đấy, tôi đã rất bực mình khi nhiều người hỏi nếu họ muốn lấy con gái Việt Nam thì họ phải trả giá bao nhiêu. Tôi nói là không phải trả gì thì họ ồ lên thích thú: "Thế hoá ra vợ ở Việt Nam là miễn phí à?".
Về giáo dục, tôi khá ấn tượng với nền giáo dục của châu Phi. Ở nhiều nước, người dân nói tiếng Anh rất tốt. Ngay cả ở Malawi nghèo hơn Việt Nam rất nhiều, lại còn đang bị khủng hoảng kinh tế là thế, vậy mà khi tôi sang đấy rất ít khi gặp rào cản ngôn ngữ. Học sinh bên đó từ lớp 5 đã phải học hoàn toàn bằng tiếng Anh, nên họ dậy ngôn ngữ này từ nhỏ rất tốt.
- Trong tập 1, sách của chị được viết với giọng chân chất, giản dị. Vậy đến tập 2 này, cuốn sách có thay đổi về kỹ thuật viết?
- Nó là nhật ký hành trình mà, nên tôi không muốn nó trau chuốt hoa mỹ quá, mà cứ để nó tự nhiên như đang kể chuyện thôi. Thực ra có muốn nó hoa mỹ cũng không được, tôi viết chỉ được có thế.
- Chân dung của nhân vật chính trong "Đừng chết ở châu Phi" như thế nào?
- Hy vọng vẫn là một Huyền Chip bướng bỉnh và liều lĩnh. Câu chuyện trong cuốn sách phát triển cùng với sự phát triển của bản thân tôi trong suốt chuyến đi. Ngay trong tập 1, nhiều bạn đọc đã bảo rằng Huyền Chip ở đầu sách và cuối sách là khác hẳn nhau, thì chắc chắn sang tập 2 sự thay đổi này sẽ rõ rệt hơn rất nhiều. Chip ở châu Phi đã già dặn hơn, biết nhiều "mánh" của dân đi bụi hơn, liều lĩnh hơn và dễ nổi cáu hơn. Châu Phi cũng là một châu lục hoàn toàn khác, và khi ta đặt bản thân vào một môi trường khác, tính cách tôi cũng sẽ được bộc lộ ra theo một hướng khác.
- Tập 1 đã trở thành một cuốn sách ăn khách, khi phát hành tập 2 song song với bản điện tử, chị có kỳ vọng nó sẽ trở thành một "best-seller" của thị trường sách điện tử?
- Thị trường sách điện tử ở Việt Nam còn quá nhỏ để danh hiệu best-seller thực sự có ý nghĩa. Lý do tôi chọn ra mắt sách điện tử cùng lúc với sách giấy là vì muốn ủng hộ phát triển thị trường sách điện tử ở Việt Nam. Tôi thích sách điện tử: vừa gọn, vừa tiện, vừa rẻ, lại tiết kiệm giấy bảo vệ môi trường.
- Tập 1 được xuất bản với mong muốn truyền cảm hứng và động lực cho các bạn trẻ theo đuổi ước mơ, vậy chị muốn gửi thông điệp gì trong tập 2 này?
- "Đừng chết ở châu Phi" là tập tiếp theo của quyển 1, nên tôi hy vọng nó sẽ vẫn giữ được thông điệp đó. Thêm vào đó, tôi cũng hy vọng tập 2 có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về châu Phi. Châu Phi là một châu lục bị "hiểu nhầm". Ngay cả bản thân tôi trước khi đến đây vẫn nghĩ rằng người châu Phi da đen là do cháy nắng, và tóc họ xoăn là do dùng sai dầu gội. Nhiều người hay hỏi tôi những câu như: "Xin visa sang châu Phi như thế nào" hay "Thủ đô châu Phi là ở đâu?", cứ như thể châu Phi là một quốc gia vậy.
(Báo vnexpress.net giới thiệu ngày 14/9/2013)
Hiền Đỗ thực hiện
PNO - Xách ba lô lên và đi là tập bút ký du lịch của tác giả trẻ Huyền Chip. Tập 1: Châu Á là nhà. Đừng khóc! Nay cô vừa ra mắt tập 2: Đừng chết ở châu Phi (NXB Văn Học).
Với châu Phi, Huyền Chíp cảm nhận nơi đó đã để lại cho cô nhiều cảm xúc mãnh liệt: "Chưa bao giờ tôi thấy yếu đuối như ở châu Phi: cô đơn đến cùng cực, thể chất suy sụp, bị đói, bị bỏ rơi, ám ảnh với căn bệnh thế kỷ. Chưa bao giờ tôi thấy đơn độc như khi bị sáu thanh niên cầm dao dí vào cổ cướp hết đồ đạc mà xung quanh mọi người chỉ giương mắt nhìn. Chưa bao giờ tôi thấy tức giận như khi những hủ tục trọng nam khinh nữ vẫn đầy rẫy khắp nơi, quan niệm cho rằng người nước ngoài nào cũng là túi tiền di động luôn thường trực trong suy nghĩ của họ. Cũng chưa bao giờ tôi thấy muốn đấm vào mặt ai nhiều như khi người ta cứ khăng khăng bảo tôi là người Trung Quốc, khi đám đàn ông hỏi tôi giá bao nhiêu để cưới tôi làm vợ. Nhưng cũng chưa bao giờ trái tim tôi rung động mạnh như khi những anh chàng mặc áo rách nửa lưng rón rén xin được chạm vào tóc tôi vì lần đầu tiên được thấy tóc dài; những cô bé không nói được tiếng Anh, ú ớ chỉ vào đôi dép rách tôi đang đi, không ngần ngại ngồi bệt xuống đất giúp tôi khâu lại; những người dân làng gầy gò, ăn chẳng đủ no nhưng khi thấy tôi đói phải ăn lạc sống đã hốt hoảng chạy về nhà tìm xem có gì ăn được để mang hết ra cho tôi. Con người châu Phi đơn giản và hoang dã, nhưng trái tim họ rất ấm áp".
Điều hấp dẫn ở tập sách là tác giả đã miêu tả những gì mình đã trải nghiệm. Mỗi vùng đất với những đặc trưng văn hóa, ẩm thực... được kể lại chân thực, dí dỏm khiến ta đôi khi ngạc nhiên, thích thú. Chẳng hạn, lúc tác giả ở Ethiopia trong một lần ăn với người bạn: "Anh bán hàng lấy con dao to đúng nghĩa dao mổ bò, xẻo ngay lấy một miếng nửa cân bắp bò. Sau đó anh cắt miếng thịt ra thành từng miếng vuông vức như viên súc sắc, bỏ vào đĩa mang ra bàn cùng với một đĩa muối ớt.
- Ủa, thế mình phải tự nấu à? - Tôi ngơ ngác.
- Hừ! Nấu làm gì! Thịt bò phải ăn sống thế này mới ngon. Ớt này cay lắm, đảm bảo giết chết hết mọi vi khuẩn.
Như để làm chứng, Hermann nhón một viên thịt đỏ hỏn, chấm vào đĩa muối ớt, cho lên miệng, nhai ngấu nghiến rồi nuốt. Anh xuýt xoa:
- Ngon thật. Lâu lắm rồi anh không được ăn thịt sống. Cả Addis Ababa chỉ có quán này là đảm bảo nhất, thịt tươi nhất. Tere Sega mà ăn ở quán nào thịt ôi thì thôi xong.
Tôi bị khựng lại mất khoảng ba mươi giây, không biết nên nghĩ thế nào hay nên làm gì. Đây là món ăn mà anh kể với tôi sao? Món ăn sang trọng nhất của Ethiopia á?".
Cuối cùng, Huyền Chip gật gù:
- Người Ethiopia ăn được thì em cũng ăn được - Tôi bảo anh.
Rồi tôi cũng nhón một miếng, chấm thật nhiều muối ớt, nhắm mắt nhắm mũi cho lên miệng. Không hẳn là dai cũng không hẳn là nát, cứ mềm mềm, lành lạnh, ươn ướt. Vị thì ngòn ngọt, tanh tanh làm tôi liên tưởng đến máu. Ờ nhỉ, ở Việt Nam mình cũng ăn tiết canh, nghĩ ra còn đáng sợ hơn ấy chứ".
Là người đã viết lời giới thiệu tập 1 của cuốn sách này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sau khi đọc tập 2 nhận xét: "Huyền Chip đã đi đến nhiều nơi nguy hiểm, không có người biết tiếng Anh nhưng bằng sự can đảm, sự nhiệt huyết và lòng quyết tâm của mình, cô đã vượt qua tất cả. Với tôi việc viết cuốn sách này thật khó khăn. Không phải do sức nặng của từng câu từng chữ, không phải do thời gian quá bận rộn để không còn sức lực chú tâm mà mỗi khi nhớ lại những sự việc xảy ra ở châu Phi, cảm xúc hỗn độn trong tôi dồn dập trở về. Đôi khi, tôi muốn quay mặt đi để khóc và nhớ".
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu ngày 20/9/2013)
M.B