Trong lịch sử nước ta, thời Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài và các chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào những thế kỷ XVI, XVII, XVIII là thời kỳ phong phú nhất về mặt sử liệu. Đó là thời kỳ ra đời của nhiều tác phẩm đến nay vẫn còn là những tài liệu nghiên cứu có giá trị: Đại Việt sử ký toàn thư (tục biên) (Phạm Công Trứ và nhiều người khác), Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án (Ngô Thì Sĩ), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Thì Chí), Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn)… Ngoài những tác phẩm do người Việt soạn thảo, còn có một bộ phận sử liệu rất quan trọng khác là các hồi ký, du ký, tài liệu nghiên cứu được các thương nhân, giáo sĩ nước ngoài viết nhằm mục đích chính là phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khuếch trương việc buôn bán hoặc giảng đạo ở Đại Việt.

Xét về mặt học thuật, bên cạnh những nhận định chủ quan chịu ảnh hưởng của quan điểm thực dân, tác phẩm của họ nêu lên được nhiều khía cạnh của đời sống cư dân Việt thời đó mà các bộ chính sử và ngoại sử Việt Nam tỏ ra khá thiếu sót. Hai thế kỷ XVII, XVIII là thời điểm phát triển của loại tác phẩm này; những Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Thích Đại Sán, John Barrow… đã cung cấp cho giới nghiên cứu những tư liệu quý được soạn thảo bằng khả năng quan sát nhạy bén, sự trình bày có tính khoa học, bổ sung nhiều khiếm khuyết của chính sử, nhất là về phong tục tập quán, nhà cửa, cách ăn mặc, sinh hoạt của người dân hai miền Đàng Ngoài và Đàng Trong.

Người viết không có tham vọng trình bày một cách có hệ thống và đầy đủ những tư liệu đó, chỉ cố chắt lọc những gì có thể giúp người đọc có một cái nhìn khái quát về xã hội Đại Việt và Việt Nam vào các thế kỷ XVII, XVIII, XIX và thời kỳ mà cha ông ta đã đổ nhiều mồ hôi, máu và nước mắt, chinh phục những vùng đất hoang dã, biến chúng thành những khu vực trù phú như ngày nay. Bức tranh xã hội với những nét chấm phá còn thô sơ, rất mong được các bậc thức giả bổ khuyết cho.Mời bạn đón đọc.