Trong kinh Lăng Nghiêm, ở chương Đại Thế Chí Niệm Phật, ta được học rằng trong khi mẹ nhớ con và đi tìm con, nếu con cũng nhớ mẹ và đi tìm mẹ thì thế nào mẹ và con cũng tìm được nhau và hai mẹ con sẽ không bao giờ xa nhau. Điều này cũng đúng với liên hệ thầy và đệ tử: nếu thầy có chủ tâm đi tìm đệ tử trong khi đệ tử cũng có chủ tâm đi tìm thầy thì chắc chắn là thầy và đệ tử sẽ gặp nhau. Thầy tìm được con thì thầy nắm tay con để đi trên con đường thực tập, con trở thành thầy và thầy có trong con. Và như thế trong tay con đã có tay thầy.
Bài kệ xưng tán Pháp Hoa như sau:
Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Tiếng xao động tinh hà
Địa cầu vừa tỉnh giấc
Lòng đất bỗng đơm hoa
Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Bảo tháp hiện chói lòa
Khắp trời Bồ tát hiện
Tay Bụt trong tay ta
Tay Bụt trong tay ta có nghĩa là ta được nắm tay Bụt mà đi. Cũng có nghĩa là trong tay ta đã có tay Bụt. Bụt và ta không còn là hai thực tại riêng biệt. Ta và Bụt bất nhị. Lúc ấy thì hạnh phúc ta rất lớn.
“Tay Thầy trong tay con” – tuyển tập những lá thư thầy viết cho đệ tử. Mỗi lá thư là một chứng tích của tình Thầy, chứa đựng trọn vẹn những gì Thầy muốn trao truyền. Những lá thư ấy không bị giới hạn bởi thời gian, chúng có giá trị miên viễn. Do vậy không thể xếp theo trình tự thời gian để ta có thể đón nhận mỗi lá thư trong một hình thức rất mới, nội dung trao truyền được sống dậy trong thời khắc mà ta đang đọc.
Trong sách chúng ta còn tiếp xúc được những thông bạch mà Thầy đã gởi đi trong những năm qua, mỗi thông bạch như những khuôn thước nền tảng thực tập. Và phần cuối là “Câu chuyện người con trai khờ dại” được Thầy viết tại Phương Bối –Bảo Lộc, Lâm Đồng năm 1961. Đọc câu chuyện để ta cảm thêm sự rộng lớn của tình Thầy qua những lá thư. Chúng ta thấy người con trai trong câu chuyện là một người rất thật, và cho đến nay chưa một lần từ chối làm người “khờ dại” cho tình thương.
Chúng ta cùng đón nhận “mối tình” rất đẹp này và giữ riêng cho mình những gì rất gần, để cùng hiểu, cùng thương và cùng hiến tặng.
Mục Lục
Lời tựa
Thư Thầy viết cho đệ tử
Thông bạch
Câu chuyện ngắn
Trích dẫn
SINH NHẬT CỦA MỘT GIỌT SƯƠNG
(Viết về sư bà Đức Viên)
Các con,
Sáng nay đi thiền hành, Thầy nghe tiếng của một giọt sương gọi. Giọt sương không gọi bằng âm thanh mà gọi bằng những tia ánh sáng muôn màu. Thầy dừng lại đến gần giọt sương. Giọt sương nằm ở đầu một chiếc lá liễu buông dài như một ngón tay. Giọt sương đã ôm lấy mặt trời và giọt sương tỏa chiếu ánh sáng muôn màu về phía Thầy. Giọt sương rực rỡ không kém vầng thái dương. Thầy chắp tay chào giọt sương và Thầy nghĩ: Nếu mắt Thầy thấy được giọt sương đang tỏa chiếu hào quang thì ống kính của chiếc máy ảnh cũng thấy được. Thầy đi vào thư viện tìm chiếc máy chụp hình. Thầy đã kê sát ống kính vào giọt sương và Thầy đã thành công ghi lại hình ảnh giọt sương lấp lánh hào quang ngũ sắc.
Ban đầu, Thầy nghĩ giọt sương trên đầu chiếc lá là một hiện tượng mong manh. Nhưng sau đó, Thầy thấy giọt sương cũng có tính bất sinh bất diệt. Buổi sáng nào đi thiền hành qua cây liễu Thầy cũng có thể thấy được giọt sương dù là trong một bình minh sáng chói hay trong một ngày trời âm u. Thầy đã thấy một lần rồi thì Thầy có thể thấy được mãi mãi.
Sư bà Đàm Lựu của các con là một giọt sương lóng lánh bất sanh bất diệt. Trong liên tiếp ba Đại giới đàn Cam Lộ, Hương Tích và Nến Ngọc, Sư Bà đã có mặt để làm thầy truyền giới cho các con. Các con đã được gần gũi và học hỏi nhiều lần từ Sư Bà. Sư Bà đã đi xuất gia từ hồi còn tuổi nhỏ, đã trải qua nhiều gian nan và trở ngại lớn lao, đã vượt thắng tất cả để thành công như một người tu nữ. Tâm bồ đề của Sư Bà chưa từng bao giờ xao động. Chiếc áo người tu Sư Bà tiếp nhận từ ngày xuất gia, Sư Bà đã trân quý mỗi ngày “Đẹp thay áo giải thoát, áo ruộng phước nhiệm mầu, con cúi đầu tiếp nhận, đời đời nguyện mang theo”. Chí khí của Sư Bà cao khiết và hùng lực không kém gì chí khí của một bậc nam tử, có khi còn cao khiết và hùng lực hơn. Sư Bà đã nhiều phen tỏ bày đức vô úy, bất chấp mọi đe dọa, dù những đe dọa ấy tới từ phía nào. Cái gì đúng và đẹp thì Sư Bà làm. Cái gì không đúng và không đẹp thì Sư Bà nhất định không tham dự. Thầy đã nhiều lần nghiêng mình trước đức vô úy ấy.
Sư Bà có nếp sống tâm linh sâu sắc nhưng Sư Bà cũng là một mẫu người hành động. Bằng hai cánh tay của mình, Sư Bà đã xây dựng lên cơ đồ hoằng pháp với bao nhiêu tri chí, kiên nhẫn và tình thương. Đồ chúng của Sư Bà được Sư Bà ôm ấp và che chở như một bà mẹ. Ai cũng hưởng được đức từ bi cao cả của Sư Bà.
Thầy có rất nhiều ân nghĩa với Sư Bà. Từ gần bốn chục năm nay, bất cứ một đề xướng nào của Thầy trong phạm vi Phật sự, Sư Bà đều yểm trợ. Yểm trợ một cách thầm lặng và yểm trợ một cách chính thức. Không có một buổi họp nào về tương lai của người thanh niên học tăng mà Sư Bà không đến tham dự. Không có một khóa tu nào cho người thanh niên học tăng mà Sư Bà không gửi đệ tử tới học. Và chính Sư Bà cũng đến tham dự, ban phát niềm vui trong các khóa tu đầm ấm ấy. Một lần đi thăm khóa tu về, Sư Bà đã hát “Boong, boong, tôi là chuông đại hồng, ngôi chùa xưa trên đỉnh núi” khiến các sư cô đệ tử người nào cũng ngạc nhiên thích thú.
Tại xóm Mới chùa Từ Nghiêm, Làng Mai, Sư Bà nói Thầy là Mẹ Âu Cơ có một trăm con xuất gia. Nhưng trong số các con, có ai không phải là con của Sư Bà? Con gái cũng vậy mà con trai cũng vậy. Tất cả được thương yêu và chăm sóc. Các con có nhớ ngày Thầy trò mình thăm viếng Sư Bà trong mùa Thu năm ngoái không? Sư Bà đứng tên cùng bảo trợ khóa tu, thời thuyết giảng công cộng cho đông đảo đồng bào, buổi đi khất thực trong công viên San Jose và trong chùa Đức Viên...
Sư Bà còn đỏ, như một giọt sương long lanh ngàn đời bất diệt. Mỗi buổi sáng, ta đều có thể thấy được Sư Bà. Ngày hôm nay là sinh nhật của Sư Bà. Ngày hôm nay là ngày sinh nhật của người tu nữ ấy. Ngày nào cũng là ngày sinh nhật của người tu nữ ấy. Các con hãy viết mỗi người vài dòng để làm quà sinh nhật cho Người.
Thầy của các con
Nhất Hạnh