• Nhà xuất bản: Công ty TNHH Văn Hóa Khai Tâm
  • Tác giả: Nguyễn Kỳ Nam
  • Kích thước: 14.5 x 20.5 cm
  • Số trang: 177
  • Hình thức: Bìa mềm
  • Giá bán: 45000.0
  • Giá bìa: 55000.0

Từ khi nổ súng xâm lược, thực dân Pháp đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Nhưng qua gần 30 năm, người Pháp đã dần dần đánh chiếm và xác lập sự thống trị của mình từ các tỉnh Nam Kỳ, Bắc kỳ đến Trung Kỳ. Sự xác lập đó được thể hiện trong các hiệp ước: Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Hiệp ước Giáp Tuất (1874), Hiệp ước Harmand (1883), Hiệp ước Patenôtre (1884) và Hiệp ước ngày 15-11-1925. Với những hiệp ước trên, toàn bộ lãnh thổ và quyền hành của Việt Nam mà đại diện là Triều đình Huế đều rơi vào tay thực dân Pháp. Để xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, toàn dân tộc Việt Nam đã đứng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới của độc lập và tự do. Tuy nhiên với dã tâm của mình, thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn trở lại ở Nam Bộ, làm cho nhân dân ta đối mặt với nguy cơ mất nước lần nữa. 

 

Trong tình thế muôn vàn khó khăn khi mới giành độc lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 nhằm tranh thủ thời gian, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Pháp mà ta biết là không thể tránh khỏi. Với mong muốn cung cấp thêm cho bạn đọc những tư liệu lịch sử quý về những hiệp ước mà Triều đình Huế đã ký kết với Pháp và những sự biến liên quan để thấy được tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Pháp, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản cuốn sách 83 năm… nước Pháp với Việt Nam đã mấy lần ký hiệp ước? của Nhà văn, Nhà báo Nguyễn Kỳ Nam (Nam Đình) - một trong những cây bút nổi tiếng của Sài Gòn trước năm 1975. Cuốn sách như một cuốn phim lịch sử nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn thấu đáo về những biến cố lịch sử Pháp - Việt trong gần một thế kỷ thông qua các hiệp ước. Và chính từ thực tiễn lịch sử đã cho thấy, chỉ khi nào sức mạnh dân tộc được tập hợp, thế mạnh của đất nước được phát huy thì mới có thể đánh bại mọi kẻ thù, như thông điệp mà Nhà báo Trần Tấn Quốc đã gửi đến chúng ta khi viết lời tựa cho cuốn sách từ năm 1946: “Làm sao cho chúng ta, con cháu chúng ta - kể từ đây, sẽ là dân của một nước mạnh”.