Nhà Hậu Trần

TRÙNG QUANG ĐẾ

Tên húy là Quý Khoáng, con thứ của Mẫn Vương Ngạc, cháu nội Nghệ Tông, cháu gọi Giản Định Đế bằng chú, ở ngôi 5 năm. Vua gặp thời loạn lạc, gắng chí mưu việc khôi phục, nhưng vì trời không giúp nhà Trần nữa, nuốt hận mà chết, thương thay!

Canh Dần, [Trùng Quang] năm thứ 2 [1410], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, Trương Phụ sai người Minh mở thêm đồn điền ở nơi gần thành và thu thóc lúa ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Tam Giang để dự trữ lương quân.

Mùa hạ, tháng 5, vua đem bọn Nguyễn Cảnh Dị tiến quân đến bến La, Hạ Hồng, đánh phá quân của đô đốc Giang Hạo, thừa thắng đuổi theo, tiến quân đến Bình Than, đốt phá gần hết thuyền trại của quân Minh.

Bấy giờ các hào kiệt nghe tin đều hưởng ứng. Người Thanh Hóa là Đồng Mặc, tên hiệu là Lỗ Lược tướng quân, đánh giết bọn giặc nhiều không kể xiết. Chỉ huy của quân Minh là Tả [15b] Địch bị bắt, Vương Tuyên (có sách ghi là Vương Đản) thế cùng phải tự vẫn. Hưng Khánh Đế cho Mặc làm Phủ quản quận Thanh Hóa.

Lại có người Nguyễn Ngân Hà tuy không bằng Mặc, nhưng cũng là ngườitrội trong đám hào kiệt. Lê Nhị ở Thanh Oai giết cha con tên đô ty Lư Vượng ở cầu Ngọc Tản, lại chiếm giữ huyện Từ Liêm, quân Minh rất sợ hãi. Lê Khang ở Thanh Đàm1 , Đỗ Cối, Nguyễn Hiệu ở Trường Yên cũng họp quân chống giặc. Nhưng vì hiệu lệnh không thống nhất, quân đội không có chỉ huy chung, nên sau đều tan vỡ cả. Gặp khi Trương Phụ đến Diễn Châu, vua lại đem quân về Nghệ An.

Hoàng Phúc xin cấp ruộng cho các thổ quan, tùy theo phẩm trật, để họ cho người cày cấy thu tô thay cho bổng lộc, còn các lưu quan thì cấp lính để cấy ruộng thu thóc, chi cấp lương ăn.

Tân Mão, [Trùng Quang] năm thứ 3 [1411], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, Trương Phụ cấp bằng cho thổ quan các phủ vì có công [16a] đánh dẹp, gồm cả những thổ quan ở phủ, châu cai quản quân lính, những người thuộc thiên trưởng, bách trưởng lấy làm chỉ huy thiên bộ.

Tháng 2, nhà Minh xuống chiếu ân xá, đại lược nói: "Giao Chỉ đã thuộc về Chức phương2 mà liền mấy năm chưa được yên nhgỉ. Nghĩ thương dân ấy sau cơn khốn khổ, đặc cách ban ân khoan thứ, xót thương, ngõ hầu khiến cho triệu dân đều được thấm nhuần đức trạch".

Lại dụ bọn quan lại, quân dân rằng: "Người Giao Chỉ đều là dân của trời, đã vỗ về chúng, thì chúng đều là con đỏ của trẫm. Chúng nhất thời đi theo bọn giặc, nghe nói bị giết, trẫm thực thương xót trong lòng, sao lại nỡ để chúng như vậy? Vả lại, bọn gây tội ác chỉ có mấy đứa thôi, còn trăm họ nơi bãi biển, hang núi,bị chúng cưỡng bức, uy hiếp, hoặc giúp chúng lương thực, hoặc bị chúng đem theo làm giặc ở các nơi, đều là bắt đắc dĩ, bị chúng làm cho lầm lỡ chứ không phải là do bản tâm. Nếu biết [16b] hối hận sửa bỏ lỗi lầm, đều cho được đổi mới. Làm ác chỉ có mấy đứa, trăm họ không có tội gì. Trong đó, người nào hiên ngang dũng cảm, có kiến thức, có thể bắt được mấy đứa kia đem dâng thì nhất định sẽ ban cho quan to, tước cao. Còn bọn làm ác, nếu biết tẩy rửa tâm trí, đổi lỗi sửa mình, thì chẳng những được khoan tha tội lỗi, lại còn chắc chắn được làm quan vinh hiển nữa".

Tháng 3, nhà Minh sai quan mang sắc chỉ cho các thổ quan như sau: "Các ngươi tài năng khôi kiệt, tư chất đôn hậu, sáng suốt nhìn xa, trước đã thành tâm gắng sức, tận trung với triều đình, nghĩ tới công lao của các ngươi, đặc ân thăng cho chức vụ vinh hiển. Nay nghe các ngươi biết làm tròn nghĩa vụ,

dốc sức lập công, bắt giết bọn phản nghịch, giữ vững đất đai, nghĩ đến lòng trung thành ấy, xiết nỗi vui mừng khen ngợi. hiện nay, bọn giặc còn sót chưa dẹp yên hết, các ngươi hãy lập thêm nhiều công, ra sức quét sạch bọn chúng để tiếp nối công tích trước đây. Ta đặc cách sai người [17a] sang úy lạo ban thưởng. Các ngươi hãy kính cẩn phục tùng mệnh lệnh ân sủng này".

Mùa thu, tháng 7, sông Đáy nước lên to, vỡ đê quai, trôi cả nhà cửa của dân.

Tháng 9, vua và bọn Nguyễn Súy chia đường tiến đến cửa biển, bắt được tên chỉ huy Nguyễn Chính người địa phương ở Bài Lâm, chém bêu đầu rồi về.

Sai Hành khiển Hồ Ngạn Thần làm sứ giả cầu phong, Thẩm hình là Bùi Nột Ngôn làm phó, mang biểu văn, phương vật và hai tượng người bằng vàng và bằng bạc thay thân mình.

Trước đó, vua đã sai hành khiển Nguyễn Nhật Tư và thẩm hình Lê Ngân sang cầu phong. Vua Minh nổi giận, bắt giam rồi giết cả. Đến đây lại sai bọn Ngạn Thần đi.

Đến Yên Kinh, vua MInh sai Hồ Trừng giả vờ lấy ân tình cũ hỏi thăm quốc chủ khoẻ hay yếu, tình hình trong nước thế nào, Ngạn Thần nóu hết cả với Trừng. Nột Ngôn thì không chịu khuất phục. Nhà Minh giả cách cho vua làm Giao Chỉ Bố chính sứ, Ngạn Thần làm Tri phủ Nghệ An.

Sứ về nước, Nột Ngôn tâu hết [17b] việv Ngạn Thần tiết lộ việc nước và nhận lệnh của giặc. [Vua sai] bắt Ngạn Thần giam ngục rồi giết.

Gả Quốc tỷ trưởng công chúa3 cho Hồ Bối người Hóa Châu, phong Bối làm Tư đồ rồi sai ra Thanh Hóa chống giặc.

Nhà Minh bắt giam viên Tham nghị Giải Tấn rồi giết đi (Tấn là người Cát An, tỉnh Giang Tây). Tấn đỗ tiến sĩ cập đệ, bổ Hàn lâm học sĩ, vì nói việc trái ý vua, bị đuổi ra làm Tham nghị ở Giao Chỉ. Khi đến ty, lại nói rằng:

"Giao Chỉ chia đặt quân huyện không bằng để nguyên như cũ, phong tước chia đất cho các thổ hào để họ cai quản lẫn nhau. [Chia đặt quận huyện] dẫu có cái được cũng không bù được những cái mất, cái lợi không chữa được cái hại".

Vua Minh xem tờ tâu nổi giận, cho là Giải Tấn có ý tư vị họ Trần, bất lợi cho nước, xuống chiếu bắt giam ở Cẩm y vệ, rồi ốm chế. Đến năm Minh Nhân Tông lên ngôi, mới được đưa về chôn, gia thuộc mới được về quê hương.

[18a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Lời nói của bề tôi ngay thẳng không phải lợi cho mình mà lợi cho nước. Nhưng các vua chúa tầm thường thì không hay coi đó là lợi mà cứ muốn hại người ta. Đó là do họ bị che lấp nặng rồi. Minh Thái Tông một khi đã manh tâm hiếu đại hý công, tham cướp được nước ta, Giải Tấn há lại không biết nói thế là chạm tới cơn giận giữ hay sao? Đó chính là vì nước không nghĩ đến mình. Thái Tông không nghe, cùng binh độc vũ, cho rằng ắt chiếm được. Lời của Giải Tấn lúc ấy hình như chưa ứng nghiệm.

Đến khi Thái Tổ ta1371dẹp loạn trừ bạo, bắt được phong thư bọc sáp của Vương Thông nói rằng: "Quân để dùng phải được như số quân đi đánh lúc đầu, và phải được 6, 7 viên đại tướng như Trương Phụ mới có thể đánh được, mà dẫu có lấy được cũng không thể giữ được", thì bấy giờ lời Giải Tấn mới ứng nghiệm. Lời nói của bề tôi ngay thẳng chả lẽ không [18b] lợi cho nước hay sao? Cốt ở người làm vua biết soi xét mới được.

Người Minh bắt giải giáo thụ Lê Cảnh Tuân về Kinh Lăng.

Trước đây, Cảnh Tuân là hạ học sinh4 của họ Hồ. Năm Hưng Khánh thứ 1, viết bức thư một vạn chữ5 dâng cho Tham Nghị Bùi Bá Kỳ, nêu ba phương sách thượng, trung, hạ, đại lược nói rằng:

"Nhà Minh đã có sắc ban cho ngài theo quân tiến đánh, đợi khi bắt được họ Hồ thì chọn con cháu họ Trần lập làm vua, gia tước cho ngài để ở nước làm phụ tá. Nay thấy thiết lập ty bố chính, phong tước cao cho ngài, mà chỉ cấp người quét dọn đền miếu nhà Trần. Nếu ngài có thể tâu lại, phân tích những lời khai của các quan lại, kỳ lão, nói rõ con cháu họ Trần, đó là thượng sách. Nếu không được như thế, thì xin thôi chức vị hiện nay, nguyên làm [19a] quan coi nhà thờ họ Trần, đó là trung sách. Nếu ngày còn tiếc quan tước to, tham bổng lộc nhiều, thì đó là hạ sách.

Nếu ngài làm theo thượng sách thì tôi là nhân sâm, cam thảo, chỉ xác, trần bì bổ sung vào ô thuốc của ngài, tùy ngài sử dụng. Nếu ngài làm theo trung sách, thì tôi xin bưng khay chén hầu hạ ở đó, cũng xin tùy ngài sai khiến. Nếu ngài làm theo hạ sách thì tôi sẽ là kẻ câu vắng cầy nhàn6 cho hết tuổi thừa mà thôi".

Đến khi tịch biên nhà Bá Kỳ, bắt được bức thư ấy, tâu lên, sai bắt Cảnh Tuân để xét hỏi, thì gần đây vì loạn lạc, không biết đi đâu.

Đến đây, đặt học hiệu ở Giao Châu, bắt được Cảnh Tuân đưa về Kim Lăng giam xuống ngục của y vệ Cẩm. Cảnh Tuân ở trong ngục 5 năm, cùng con là Thái Điên đều ốm chết.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Ba phương sách của Cảnh Tuân có khí thái của bậc trượng phu. Ông nhận [19b] chức giáo thụ của nhà Minh phải chăng là vì muốn ẩn dật mà khônng được?

Nhâm Thìn, [Trùng Quang] năm thứ 4 [1412], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, viên phụ đạo ở Đại Từ, Thái Nguyên là Nguyễn Nhuế khởi binh, hoại động ở vùng núi tam Đảo, bị Trương Phụ nhà Minh bắt.

Bấy giờ kinh lộ đều phụ thuộc vào nhà Minh, trăm họ phải làm sai dịch và nộp lương theo sự sai bắt của bọn quan thú nhiệm. Thổ quan thì đóng thuyền và lập đồn điền để giúp việc cho tổng binh. Từ Ciễn Châu trở vào nam, không được cày cấy.

Mùa hạ, tháng 6, Trương Phụ và Mộc Thạnh nhà Minh đem quân đánh vào hành tại ở Nghệ An, gặp bọn Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung ở Mô Độ. Dung, Phụ đều liều chết đánh nhau chưa phân thắng bại, thì Súy và Cảnh Dị vượt biển chạy, Hồ Bối bỏ thuyền lên bờ. Dung thế cô, không có cứu viện, bèn đi thuyền nhẹ vượt biển trốn đi.

[20a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo cầm quân chế thắng cốt ở đồng tâm hiệp lực. Giả sử bọn Súy và Dị một lòng quyết đánh thì Dung và Phụ cũng chưa biết ai được ai thua. Đó là vì trời không giúp họ Trần vậy!.

Mùa thu, tháng 7, nhà Minh sai Tổng binh Hàn Quan với chức Hữu quân đô đốc đồng trị, đeo ấn Chinh Nam tướng quân sang trấn giữ.

trương Phụ nhà Minh lệnh cho Tam Giang và Tuyên Hóa đóng thuyền để cấp cho quân.

Bọn Trương Phụ nhà Minh lại vào cướp hành tại ở Nghệ An; Thanh Hóa, Diễn Châu đều bị hãm.

Mùa đông, tháng 12, nhà Minh mang sắc dụ các quan lại, kỳ lão các châu, phủ, huyện thuộc Bố chính ty rằng:

"Trẫm vâng mệnh trời, thống trị thiên hạ, chỉ mong cho dân thiên hạ được yên ổn, Giao Chỉ ở xa tận ven biển, xưa là đất của Trung Quốc, nay [20b] đã lại như cũ, binh lính và dân chúng theo về giáo hóa đến nay đã mấy năm rồi, đã đặt mục, bá, thú, lệnh và quân, vệ, ty, chọn dùng những người

trung lương, hiền năng để vỗ trị. Trẫm sớm khuya nghĩ đến, còn lo rằng đất xa dân đông, giáo hóa có chổ không thấu tới, không được thấm ơn trạch yêu thương, nuôi nấng của nhà nước.

Nay bọn các ngươi đều là bề tôi trung lươmg, phải thể lòng kính trời thương dân của trẫm, hưng lợi trừ hại cho dân, thuận theo lòng yêu ghét của dân mà trừ bỏ mối gian tệ cho dân. Dạy dân cày ruộng, trồng dâu, khiến cho không trái thời vụ thì áo mặc, cơm ăn có chổ trông cậy; dạy dân bằng hiếu, để, trung, tín; khuyên dân điều lễ nghĩa, liêm sĩ, thì phong tục sẽ tốt lành. Khi tang ma, hoạn nạn thì thương xót giúp đỡ lẫn nhau; lúc khốn cùng long đong thì chu cấp phù trì cho nhau. Người già phải dạy con trẻ, kẻ dưới phải kính bề trên,, ai nấy phải thuận theo bản tính, không được làm trái với lễ. [21a] Chớ có làm trộm cướp, chớ có đi lừa dối, chớ múa may văn chương mà đùa với luật pháp, chớ theo ý riêng ,mà bỏ lẽ công, muốn cho dân chúng an cư lạc nhgiệp, mãi mãi là dân trời vô sự, để cùng vui thời thịnh trị thái bình, thì bọn các người phải thận trọng với chức vị của mình, làm tròn công việc của mình, theo được đức y thay trời nuôi dân của trẫm, để có thể sánh vai với những bậc tuần lương đời xưa, tên tuổi chiếu sáng sử xanh, thế chẳng tốt đẹp lắm sao!".

Nông Văn Lịch ở Lạng Sơn tụ tập quân lính chiếm giữ đất ấy, chẹn lấp đường đi lại của người Minh, giết bắt vô số. Tham chính Mạc Thúy từng đem quân tiến sâu vào đất ấy, bị trúng tên thuốc độc mà chết. Sau vì Văn Lịch thông dâm với vợ của cấp dưới, binh sĩ tức giận giết chết.

Nguyễn Liễu ở Lý Nhân1375chiêu tập người các huyện Lục Na7 , Vũ Lễ đánh cướp người Minh trong mấy năm. Vua ở Nghệ An, đường bị ngăn trở không thông, quân của Liễu bị tan vỡ dần, Tham nghị Nguyễn huân vờ kết thông [21b] gia rồi dụ [Liễu] đến giết chết.

Quý Tỵ, [Trùng Quang] năm thứ 5 [1413], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, vua dẫn bọn Nguyễn Súy, Nguyễn cảnh Dị lại đem quân vượt biển đến Vân Đồn, Hải Đông và các bãi biển để thăm dò và lấy lương thực, đánh quân Minh đóng giữ ở những nơi ấy.

Hoàng Phúc nhà Minh chọn lựa thợ giỏi và vợ con họ đưa về Yê Kinh để đóng thuyền.

Tháng 2, Trương Phụ nhà Minh lệnh cho quân nhâ đem đổi lấy thóc lúa ở Tam Giang, Tuyên Hóa, Quy Hóa để trữ lương quân, lại mộ khách buôn nộp thóc, chở thuyền đem về các xứ Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Vân Nam để bán.

Tháng 3, ngày mồng 4, vua lại trở về Nghệ An, quân lính mười phần chỉ còn 3, 4 phần.

Tổng binh Hàn Quan ốm chết ở thành Đông Quan.

Mùa hạ, tháng 4, bọn Trương Phụ nhà Minh vào cướpNghệ [22a] An.

Vua ngự đến Hóa Châu, sai đái quan Nguyễn Biểu làm sứ cầu phong, mang phương vật tới Nghệ An. Trương Phụ giữ Biểu lại, Biểu tức giận mắng Biểu rằng:

"Bên trong thì mưu kế đánh chiếm, bên ngoài thì rêu rao là quân nhân nghĩa. Đã hứa lập con cháu họ Trần, lại đặt thành quận huyện, không chỉ cướp bóc của cải châu báu, lại còn tàn hại sinh dân, thực là loài giặc dữ".

Phụ nổi giận giết chết.

Tháng 6,Trương Phụ và Mộc Thạnh nhà Minh họp các tướng bàn kế đánh chiếm. Thạnh nói:

"Hóa Châu núi cao biển rộng, chưa dễ lấy được". Phụ nói:

"Tôi sống được cũng là vì Hóa Châu, có làm ma cũng là vì Hóa Châu. Hóa Châu mà chưa dẹp được, tôi còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng nữa!".

Bèn đem quân thủy đi, mất 21 ngày, đánh vào thành châu Thuận Hóa.

Mùa thu, tháng 9, bọn Trương Phụ nhà Minh đánh nhau với Nguyễn Súy ở kênh Sái Già8 . Quân Nam quân Bắc [22b] đương cầm cự nhau, Đặng Dung mai phục binh tượng, nửa đêm đánh úp doanh trại Phụ. Dung nhảy lên thuyền của Phụ, định bắt sống Phụ nhưng không nhận ra hắn. Phụ vội đi thuyền nhỏ trốn chạy. Quân Minh tan vỡ đến một nửa, thuyền bè, khí giới bị đốt phá gần hết. Bọn Súy không chịu hợp sức đánh. Phụ thấy quân của Dung ít, quay lại đánh. Quân của Dung tan chạy, từ đấy chỉ ẩn nấp trong núi hang.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Trận đánh ở Sái Già, Đặng Dung, Nguyễn Súy, đem tàn quân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè, khí giới của chúng, không phải người thực sự có tài làm tướng, thì có làm được như thế hay không?. Thế nhưng cuối cùng vẫn bại vong, đó là do trời. Tuy thất bại, cũng vẫn vinh quang, vì sao vậy?.

Bọn Dung vì nghĩa không thể cùng sống với giặc, phải tiêu diệt bọn chúng mới nghe, cho nên mới hết lòng, hết sức giúp đỡ [23a] Trùng Quang để mưu khôi phục. Trong khoảng 5 năm, kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi, nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng, đến kiệt sức mơí chịu thôi. Lòng trung vì nước của người bề tôi, dẫu trăm đời sau vẫn còn tưởng thấy được!

Ngày xưa nước Lỗ đánh nhau với nước Tề ở đất Can Thì bị thất bại, thánh nhân không vì thua mà kiêng né, lại chép rõ để nêu niềm vinh quang chiến đấu với kẻ thù, chứ không bàn đến việc thành bại. Thế thì trận đánh ở Sái Già, quân Minh bị tan vỡ một nửa, quân ta đến khi sức kiệt mới chịu thua cũng vinh quang lắm thay!

Mùa đông, tháng 10, Trương Phụ nhà Minh lấy Đô đốc Hoàng Trung đi dò trước, chặn ở thượng lưu. Nguyễn Súy sai ba thích khách, đội cỏ xuôi dòng đến thuyền của Phụ. Một người trèo lên mũi thuyền, hai người trèo lên đuôi thuyền. Phụ biết, bắt được hai người, giết một người, thả một người, lại còn [23b] cho tiền bạc. Hôm sau Phụ hội họp các tướng nghị bàn, Hoàng Trung nói không hợp ý Phụ, Phụ nổi giận kể tội Trung phòng giữ không nghiêm, để đến nỗi có chuyện khích thách, rồi chém Trung. Các tướng đều tái mặt đi.

11, bọn Nguyễn Cảnh DịĐặng Dung bị Trương Phụ nhà Minh bắt sống. Cảnh Dị mắng ngay vào mặt Phụ:

"Tao định giết mày, lại bị mày bắt", chửi Phụ luôn miệng. Phụ giận lắm, giết Dị rồi lấy gan ăn.

Vua chạy sang Lão Qua. Phụ sai người lùng bắt được, đưa đến cửa quân. Người Thuận Hóa đều hàng. Thế là nhà Trần mất.

Trước đây, nhà Hậu Trần dấy binh mưu việc hưng phục, viên Trấn phủ cũ Phan Quý Hựu có công bày mưu giúp việc, được thăng dấn đến Thiếu bảo. Đến khi Trương Phụ vào cướp Nghệ An, vua ngự tới Hóa Châu, Quý Hựu hàng giặc. Phụ mừng lắm. Được mươi hôm thì Quý Hựu ốm chết. Phụ cho con là Liêu làm Tri châu Nghệ An và hậu thưởng gia thuộc Quý Hựu. [24a] Liêu đem tình hình tướng văn tướng võ giỏi kém thế nào, số quân có được bao nhiêu, núi sông hiểm dị ra sao kể rõ cho Phụ biết. Bấy giờ Phụ mới quyết chí đánh Hóa Châu.

Trở lên làđời vua nhà Trần, bắt đầu từ năm Bính Tuất (1226) chấm dứt ở năm Kỷ mão (1399), tổng cộng 174 năm và 2 đời vua nhà Hậu Trần 7 năm.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Trùng Quang Đế lấy quân một lữ để mưu khôi phục đất nước trong lúc loạn lạc lưu ly, ví như dùng một cây gỗ để chống giữ ngôi nhà lớn đã đổ, chả lẽ không biết rằng thế không thể cứu vãn được nữa hay sao? Nhưng hãy làm hết bổn phận nên làm, ngõ hầu có thể vãn hồi được thiên mệnh!.

Còn như khi bị giặc bắt đem về, giữ nghĩa không chịu nhục, cam lòng nhảy xuống biển mà chết, để cùng mất với nước, thực đúng là "quốc quân chết vì xã tắc", mà các [24b] bề tôi của ngài như Cảnh Dị chửi giặc mong cho chúng giết ngay mình, Nguyễn Biểu kể tội ác của giặc rồi chết, đều là những người đáng ca ngợi cả. Chỉ có Hồ Ngạn Thần đi sứ làm nhục mệnh vua, đã bị giết rồi, Phan Liêu đem tình hìụnh mạnh yếu trong nước đi báo cho giặc, tuy được thoát chết trong một thời, nhưng sau lại bị Thái Tổ Cao Hoàng Đế ta giết chết. Than ôi, người làm tôi trung với nước tuy chết vì nghĩa không có tội gì, mà để lại tiếng thơm mãi mãi, còn bọn bất trung phản quốc, không khỏi tránh khỏi chết, lại còn để tiếng xấu ngàn năm, thực đúng như thế.

(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)