Bắc thuộc lần III

Đinh Mão, [907], (Đường Thiên Hựu năm thứ 4; Lương Thái Tổ Chu Toàn Trung, đổi tên là Hoảng, Khai Bình năm thứ 1). Nhà Lương cho Quảng Châu tiết độ sứ là Lưu Ẩn kiêm chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, tước Nam Bình Vương. Khi ấy, Ẩn chiếm giữ Phiên Ngung, người Giao Châu là Khúc Hạo213chiếm giữ châu trị, xưng là Tiết độ sứ, có ý mưu đồ lẫn nhau. Năm ấy nhà Đường mất.

Tân Mùi, [911], (Lương Càn Hóa năm thứ 1). Nam Bình Vương nhà Lương là Lưu Ẩn chết, em là Nham lên thay.

Đinh Sửu, [917], (Lương Mạt Đế Hữu Trinh, đổi tên là Chẩn, Trinh Minh năm thứ 3). Quảng Châu tri lưu hậu nhà Lương là Lưu Nham đặt quốc hiệu là Hán (tức Nam Hán214), niên hiệu Càn Hanh năm thứ 1. Khúc Hạo sai con là Thừa Mỹ làm Hoanảo sứ sang Quảng Châu để thăm dò tình hình [Nam Hán] hư thực thế nào. Hạo chết, Khúc Thừa Mỹ lên thay1 .

Kỷ Mão, [919], (Lương Trinh Minh năm thứ 5). Khúc Thừa Mỹ sai sứ sang nhà Lương xin được lĩnh tiết việt, nhà Lương trao cho. Vua [Nam Hán] cả giận (vua Hán trước tên là Nham, đổi là Thiệp, lại đổi là Cung, vì có điềm rồng trắng hiện, nên đặt tên ấy. Năm Tấn Thiên Phúc thứ 6 [941], tự cho chữ Cung là không lợi, lại đổi [18a] là Nghiễm2 ).

Quý Mùi, [923], (Lương Long Đức năm thứ 3; Đường Trang Tông Lý Tồn Húc, Đồng Quang năm thứ 1). Năm ấy nhà Lương mất.

Mùa thu, tháng 7, vua Hán sai kiêu tướng là Lý Khắc Chính3 đem quân sang đánh Giao Châu4 , bắt được Tiết độ sứ là [Khúc] Thừa Mỹ đem về, [Khắc Chính] lấy bộ tướng của mình là Lý Tiến thay thế. Lý Khắc Chính ở lại giữ Giao Châu, bị tướng của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ5 người Ái Châu đánh đuổi. Vua Hán trao cho Đình Nghệ tước vị, lấy Lý Tiến làm thứ sử Giao Châu, cùng với Lý Khắc Chính giữ thành, bảo tả hữu rằng: "Dân Giao Chỉ hay làm loạn, chỉ có thể ràng buộc (ki mi) mà thôi".

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Lưu Nghiễm đương lúc triều đình phương Bắc rối loạn, nhờ nghiệp cũ của anh6 mà dựng nước, đặt niên hiệu, cùng với Khúc Hạo tranh bá, rồi bắt Thừa Mỹ, lấy Giao Châu, hùng [18b] cứ một phương, cùng xuýt xoát với các nước tiếm ngôi ở Bắc triều. Cho nên, Tiền Ngô Vương nổi lên, tuy giết được con, phá được quân [của Nghiễm], nhưng không giữ được đất, quốc thống họ Lưu kéo dài không dứt, mãi đến khi Tống [Thái] Tổ dấy lên thì đất ấy mới nhập vào nhà Tống.

Tân Mão, [931], (Đường Minh Tông Tự Nguyên, Trường Hưng năm thứ 2). Mùa đông, tháng 12, Dương Đình Nghệ nuôi 3 nghìn con nuôi, mưu đồ việc khôi phục. Lý Tiến biết, sai chạy ngựa báo cho vua Hán. Năm ấy, Đình Nghệ đem quân vây Tiến. Vua Hán sai Thừa chỉ Trần Bảo đem quân sang cứu, chưa đến nơi, thành đã mất. Tiến trốn về nước. Bảo đến vây thành, Đình Nghệ đưa quân ra đánh, Bảo thua chết. Từ đó Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, trông coi việc châu.

Bính Thân, [936], (Đường Phế Đế Tông Kha, Thanh Thái năm thứ 3, Tấn Cao Tổ Thạch Kim Đường, Thiên Phúc năm thứ 1). Năm ấy nhà [Hậu] Đường mất.

[19a] Đinh Dậu, [937], (Tấn Thiên Phúc năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, nha tướng của Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn (Cương mục [Trung Quốc] chép _____)7 giết Đình Nghệ để thay chức.

Mậu Tuất, [938], (Tấn Thiên Phúc năm thứ 3). Mùa đông, tháng 12, nha tướng của Đình Nghệ là Ngô Quyền từ Ái Châu cất quân đánh Công Tiễn. Công Tiễn sai sứ sang đút lót để cầu cứu với nhà Hán. Vua Hán là Cung muốn nhân khi nước ta có loạn chiếm lấy nước, bèn cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo8 làm Tĩnh Hải quân độ sứ, đổi tước phong là Giao Vương, đem quân sang cứu Công Tiễn. Vua Hán tự làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện. Vua Hán hỏi kế ở Sùng văn sứ là Tiêu Ích, Ích nói: "Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến". Vua Hán không nghe, sai Hoằng Tháo đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào, muốn đánh [19b] Quyền, nhưng Quyền đã giết Kiều Công Tiễn rồi.

Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: "Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt9 đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát". Định kế rồi, bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa biển. Khi nước triều lên, Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiếng quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. [Quân Hoằng Tháo] không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc [20a] vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nữa. Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về. Vua Hán cho tên Cung đáng ghét là vì vậy (Lưu Cung tức là Lưu Nghiễm).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Lưu Cung tham đất đai của người, muốn mở rộng bờ cõi, đất đai chưa lấy được mà đã hại mất đứa con của mình và hại cả nhân dân, tức như Mạnh Tử nói: "Đem cái mình không yêu mà hại cái mình yêu" vậy chăng?

(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)